Chưa thống nhất quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự

Để chuẩn bị cho nội dung Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra vào tuần tới, sáng 12/8, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Theo Ban soạn thảo, việc xây dựng một đạo luật về phòng thủ dân sự là rất cần thiết nhằm khắc phục sự phân tán, riêng lẻ của các văn bản luật và các văn bản dưới luật. Đây cũng là lĩnh vực được nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành đạo luật riêng. Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về việc có hay không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự trong dự thảo luật.

Thường trực Ủy ban quốc phòng an ninh đề nghị cần làm rõ 1 số vấn đề như: Có bãi bỏ Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp không, nếu bãi bỏ thì việc xử lý tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội sẽ thực thi ra sao khi tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự chỉ mang tính dân sự? Đánh giá kỹ lưỡng cơ sở thực tiễn để xây dựng quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự; Chỉ rõ được khoảng trống pháp luật nếu không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự.

Theo đại diện Bộ Công an, Bộ Công an đề nghị không quy định Tình trạng khẩn cấp trong dự thảo Luật vì xét trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tên gọi về Tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự là chưa có, mà chỉ có nhiệm vụ liên quan đến phòng thủ dân sự. Tình trạng khẩn cấp là một trạng thái mang tính chất cấp bách, còn phòng thủ dân sự là hoạt động mang tính phòng ngừa nhiều hơn.

Bà LÊ THỊ HỒNG THƯƠNG, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an: “Nếu xác định hệ thống văn bản pháp luật về tình trạng khẩn cấp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn thì Chính phủ cần tập trung xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp thành luật, thu hút quy phạm về tình trạng khẩn cấp ở các VB luật khác nhau. Nếu quy định TTKC về phòng thủ dân sự trong luật này thì cần có tổng kết Pháp lệnh TTKC.” 

Ông PHẠM QUANG HUY, Trưởng phòng Bộ Y tế-Quốc phòng, Bộ Y tế: “Trong cơ quan phòng chống dịch của tỉnh, Chính phủ, việc thực hiện giãn cách xã hội và cách li và huy động các nguồn lực phòng chống dịch của các địa phương và ban ngành lúc đầu rất lúng túng, vì vậy quy định TTKC về phòng thủ dân sự để tạo điều kiện cho bộ ngành địa phương triển khai thực hiện.” 

Ông ĐỖ ĐỨC HIỂN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Theo Kế hoạch 81 của UBTVQH, đề nghị Chính phủ rà soát các luật liên quan đến phòng thủ dân sự để xây dựng Luật phòng thủ dân sự; rà soát các quy định về TTKC để hoàn thiện pháp luật về TTKC. Dự kiến quy định TTKC trong luật này thì liệu có luật về TTKC nữa không? Ban soạn thảo phải trả lời rõ nội dung này, nếu quy định TTKC vào đây thì mối quan hệ với Pháp lệnh về TTKC thế nào?” 

Cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật phòng thủ dân sự, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo lại Chính phủ về nội dung quy định Tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự. Khi không làm rõ, xử lý một cách thấu đáo thì chưa quy định nội dung này trong Luật. 

Khắc Phục