Chưa thống nhất việc quy định điều kiện chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Một trong những nội dung xây dựng pháp luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại Phiên họp thứ 9 (tháng 3/2022) là dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trước đó, thảo luận về nội dung này ở cấp Uỷ ban, đa số đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Pháp lệnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định “điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định” và “tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian còn lại” đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Liên quan đến điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian còn lại đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, một số ý kiến cho rằng, nội dung này liên quan đến quyền con người. Hơn nữa Nghị định số 116 năm 2021 của Chính phủ chưa bao quát được hết các đối tượng, nhất là người dưới 18 tuổi. Do đó, cần quy định trong dự thảo Pháp lệnh để áp dụng kịp thời, thống nhất trong thực tiễn, bảo đảm quyền và lợi ích của người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ông ĐỖ ĐỨC HIỂN - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: “Ở đây nếu Pháp lệnh mà không quy định thì thiếu cơ sở pháp lý để áp dụng các điều kiện tương tự như đối với người trên 18 tuổi, người bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12-18 tuổi. Và nếu không quy định như vậy thì sẽ không bảo đảm được mục tiêu tốt nhất cho trẻ em. Chính vì thế, chúng tôi đồng tình là cần phải quy định trong Pháp lệnh này các điều kiện như vậy.”

Ông NGUYỄN HUY TIẾN - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: “Nên bổ sung quy định này về việc giảm thời hạn chấp hành tại cơ sở cai nghiện bắt buộc nhằm mục đích giáo dục, giúp cho đối tượng cai nghiện được phát triển lành mạnh và nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi, và rút ngắn thời gian phải tách khỏi gia đình.”

Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, nội dung này đã được quy định tại Điều 34 của Luật Phòng, chống ma tuý và Điều 57, 58 của Nghị định số 116 năm 2021 của Chính phủ, nên dự thảo Pháp lệnh chỉ cần dẫn chiếu áp dụng, không cần quy định lại vấn đề này. 

Ông NGUYỄN VĂN HỒI - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Trong Luật đã giao cho Chính phủ hướng dẫn về miễn, hoãn là không phải riêng cho đối tượng từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi mà chung cho tất cả các đối tượng khác. Thế thì bây giờ chúng ta mà nói là hạn chế quyền con người, không đúng thẩm quyền là không đúng. Bởi vì Luật đã giao cho Chính phủ rồi mà Chính phủ phải hướng dẫn cho cả trường hợp ốm đau, bệnh tật và cả trường hợp từ 12 đến dưới 18 tuổi và cả những trường hợp khác nữa.”

Thiếu tướng NGUYỄN THỊ XUÂN - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội: “Chúng ta thấy rằng trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định là không quy định lại. Thứ 2 nữa là Luật Phòng, chống ma tuý cũng đã quy định là giao Chính phủ quy định chi tiết. Và Chính phủ đã có quy định chi tiết bằng Nghị định 116 thì tôi cho rằng cơ quan soạn thảo cần cân nhắc.”

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên, đa số các đại biểu đều tán thành với phương án “nên quy định nội dung này tại dự thảo Pháp lệnh” nhằm phù hợp với Luật Phòng, chống ma tuý và đặc điểm của việc đưa người bị đề nghị vào cơ sở cai nghiện bắt buộc./.

Quang Sỹ