Chuẩn hoá quy chuẩn lò đốt rác thải rắn sinh hoạt để bảo vệ môi trường

Sau khi THQH VN chỉ ra những bất cập trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, mới đây, bên lề cuộc Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp”, ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) khẳng định, cơ quan này đang nghiên cứu để sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật này nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải theo Luật bảo vệ MT.

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 70% lượng rác ở nước ta đang xử lý theo hướng chôn lấp. Nhưng chỉ 2% trong số này được chôn lấp đúng tiêu chuẩn... Bên cạnh đó, theo Luật Bảo vệ Môi trường, hoạt động của các lò đốt rác thải rắn sinh hoạt cũng phải được kiểm soát chặt chẽ, để phòng ngừa phát thải các chất độc hại thứ cấp vào môi trường...

Ông NGUYỄN QUANG HUÂN – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Những công nghệ đốt rác phát điện như thế chúng ta cũng cần phải xem xét, xem là nó có ô nhiễm hay không. Hiện nay tôi cũng không biết bên Bộ Tài nguyên Môi trường đã có số liệu hay chưa, hay là Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội hay Sở Tài nguyên Môi trường Cần Thơ đã có số liệu về khí thải nó như thế nào, và nó có đáp ứng được các quy định của Luật hay không?” 

Một trong các tiêu chí kỹ thuật quan trọng của nhiệt độ vùng đốt thứ cấp trong các lò đốt rác thải rắn sinh hoạt, là phải đạt 1200 0C và làm lạnh tối đa trong vòng 6s nhằm triệt tiêu khả năng tái tổ hợp khí Dioxin và Furan (hai trong số những chất độc nhất, gây bệnh ung thư), tuy nhiên, tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt hiện nay quy định vung đốt thứ cấp tối thiểu chỉ là 950 0 C. 

PGS.TS BÙI THỊ AN – Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường Cộng đồng, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: “Không đánh đổi kinh tế lấy môi trường, vấn đề môi trường liên quan đến sức khỏe người dân, đến an sinh xã hội và đặc biệt là liên quan đến chất lượng nguồn lực cho nên đây là vấn đề vô cùng quan trọng.”

Trong khi đó, thời điểm hiện tại, phần lớn rác thải ở Việt Nam hiện nay chưa được phân loại nên lượng chất vô cơ trong rác như nhựa, cao su… là rất lớn. Nếu công nghệ áp dụng không được thẩm định kỹ, không xử lý được lượng khí thải độc hại sinh ra thì sẽ rất nguy hiểm.

PGS.TS BÙI THỊ AN – Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường Cộng đồng, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: “Trong lò đốt, tôi quan tâm nhất đến nhiệt độ đốt rác. Bởi nó có những ngưỡng nhiệt độ đốt, bởi phải đạt được ngưỡng đó thì mới không phát sinh dioxin và furan. Dioxin là chất độc da cam, mà ở Việt Nam ta, nó đã gây ra vô cùng nhiều hậu họa.” 

Ông NGUYỄN THƯỢNG HIỀN - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Bộ sẽ rà soát lại các quy chuẩn đang có, ví dụ như quy chuẩn 25/2009 về nước rỉ rác của bãi chôn lấp, đặc biệt là quy chuẩn 61/2016 đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, đối với quy chuẩn 61 thì đặc biệt lưu tâm đến các quy chuẩn về nhiệt độ vùng đốt sơ cấp, thứ cấp, thời gian lưu cháy và các thông số phát thải dioxin, furan… thì phải thắt chặt kiểm soát.” 

Việc áp dụng công nghệ nhiệt trong xử lý rác thải ngày càng thể hiện hiện tính ưu việt do những ưu điểm của nó là giảm thể tích, thu hồi năng lượng và xử lý an toàn, tuy nhiên, nếu không chuẩn hóa quy định kỹ thuật về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, thì việc áp dụng công nghệ nhiệt trong xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị, và đặc biệt là khi vận hành các nhà máy điện rác, thì đây chính là nguy cơ lớn gây ô nhiễm và làm nguy hại môi trường sống! 

Tùng Dương