• 1036 lượt xem
  • 22:14 06/11/2022
  • Kinh tế

Chúng ta phải cân đối nhiều mặt để khí LNG có giá thành ổn định, hợp lý, sử dụng được cho hệ thống điện

Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) là nguồn năng lượng sạch hơn than và rất giàu tiềm năng. Sử dụng LNG cho các nhà máy điện, các ngành công nghiệp và trong dân dụng là giải pháp nhiều quốc gia đang hướng tới. Thời gian qua, Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên là một trong những thị trường nhập khẩu khí LNG cho phát điện tiềm năng nhất ở Châu Á.

Phát triển điện khí LNG cũng được xác định là giải pháp ‘xanh’ trong chuyển dịch năng lượng bền vững tại nước ta. Tuy nhiên, nguồn điện này cũng đang gặp phải không ít trở ngại để phát triển.

Với thành phần metan chiếm đến 95%, LNG tạo ra ít hơn 30% CO2 so với dầu nhiên liệu và 45% so với than đá, giảm đáng kể lượng khí thải N2O và hầu như không có khí thải SO2 gây hại cho môi trường. Điện khí LNG được kỳ vọng là loại năng lượng giúp Việt Nam giảm phát thải carbon nhanh hơn. Hiện dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Nghĩa là, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 16% cơ cấu nguồn điện, tập trung chủ yếu ở miền Bắc để đảm bảo nguồn điện chạy nền cho khu vực này.

Theo phân tích của các chuyên gia, điện khí LNG tuy sạch hơn than nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy, giá thành sẽ không ổn định. Theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 -18 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỉ m3 vào năm 2045.

Thực tế, giá khí hoá lỏng LNG đã tăng rất mạnh thời gian qua, giá nhập khẩu cao là trở ngại trong tương lai khi ký các hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa chủ đầu tư và EVN, do tập đoàn này sẽ phải mua đắt bán rẻ.

Việc nhập khẩu khí LNG, vấn đề kho chứa cũng là thách thức lớn. Hiện nước ta mới chỉ có duy nhất 2 kho đang xây dựng chuẩn bị đưa vào vận hành tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, còn có 10 kho chứa LNG đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên toàn quốc.

Về khung pháp lý, cơ chế quản lý vận hành cả chuỗi Khí - điện, do nước ta đang hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện LNG theo hình thức đầu tư thông thường nên khó thu xếp tài chính cho dự án quy mô hàng tỷ USD. Về giá, cơ chế giá điện sử dụng nhiên liệu LNG chưa có quy định đầy đủ. Đây cũng là những thách thức không nhỏ khi phát triển điện khí LNG.

CẦN CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CHO PHÁT TRIỂN ĐIỆN KHÍ LNG

Điện khí LNG được kỳ vọng là loại năng lượng giúp Việt Nam giảm phát thải carbon nhanh hơn. Song thực tế những năm qua, trong khi điện mặt trời và điện gió phát triển nóng, điện khí lại không thêm được nguồn mới nào. Do vậy cần có các giải pháp và cơ chế đặc thù phù hợp hơn để thu hút đầu tư và phát triển thị trường điện này.

Trên thế giới, việc các dự án LNG được phép bao tiêu sản lượng điện đã trở thành thông lệ. Cũng theo thông lệ quốc tế, việc mua LNG là phải mua dài hạn mới có nguồn cấp ổn định và giá cạnh tranh. Nếu chọn mua bán theo hình thức giao ngay theo chuyến, người mua có thể linh hoạt trong xác nhận thời điểm và khối lượng nhận, nhưng không ổn định, phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới và biến động giá rất lớn. Nhưng để có được hợp đồng mua LNG dài hạn thì cần phải có phải hợp đồng bao tiêu điện dài hạn. Vì vậy, tại Việt Nam, theo ý kiến của các doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện nay, nếu không có bảo lãnh Chính phủ vừa không có bao tiêu điện, doanh nghiệp sản xuất điện khó có thể triển khai các dự án đúng tiến độ và hiệu quả được, đặc biệt với các doanh nghiệp trong lĩnh vực mới như LNG.

Vấn đề hợp đồng bao tiêu sản lượng điện có lẽ là vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh điện, cần nhanh chóng được tháo gỡ, tạo cơ chế, mở đường cho khái niệm “sản xuất điện từ LNG.

Đồng thời nhà nước cần có quy hoạch kho - cảng nhập khẩu LNG để tránh tình trạng xây dựng kho cảng manh mún theo từng dự án điện khí LNG làm giảm hiệu quả đầu tư.