• 2124 lượt xem
  • 00:38 12/08/2022
  • Xã hội

Chương trình 60+: Nhiều khó khăn trong chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tại cơ sở bảo trợ xã hội

Chương trình 60+ đã từng bàn đến chủ đề “PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH VIỆN DƯỠNG LÃO: NHU CẦU TẤT YẾU CỦA XÃ HỘI HIỆN ĐẠI”, qua đó cho thấy nguồn cung viện dưỡng lão tại Việt Nam đang thiếu hụt rất nhiều so với nhu cầu thực tiễn. Với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay thì Việt Nam có nhiều dư địa và cơ hội khi phát triển mô hình viện dưỡng lão.

Tuy nhiên, hiện chưa có một mô hình mẫu chuẩn hay hướng dẫn chi tiết cụ thể cho hoạt động của các viện dưỡng lão. Vấn đề này cần được quan tâm như thế nào để gỡ vướng và tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, cá nhân đã, đang và sẽ tham gia mô hình viện dưỡng lão. Chương trình 60+ hôm nay  tiếp tục bàn sâu hơn với chủ đề: HOÀN THIỆN MÔ HÌNH CƠ SỞ CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM.

Mô hình của các cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay có thể chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là các cơ sở do các cá nhân, doanh nghiệp đứng ra tổ chức, xây dựng. Nhóm thứ hai là các cơ sở dưỡng lão từ thiện. Nhóm thứ ba bao gồm các sở chăm sóc, điều dưỡng người có công, người cao tuổi thuộc diện chính sách do nhà nước đứng ra bảo trợ. Bài toán nhân lực là vấn đề mà các cơ sở đều gặp phải. Đặc biệt các Trung tâm bảo trợ xã hội thì không chỉ thiếu nhân lực mà còn cả cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để chăm sóc người người cao tuổi được nuôi dưỡng. 

 7h sáng, chị Lương Thị Lý đã phải tất bật với công việc của mình tại cơ sở bảo trợ xã hội. Sau khi vệ sinh, chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho 3 trẻ khuyết tật, chị tất tả đến khu sinh hoạt của người cao tuổi để chăm sóc, phục vụ sinh hoạt cho 3 cụ khuyết tật, có tâm trí không bình thường và không có khả năng tự phục vụ. Chị Lý cho biết, do thiếu đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội nên chị phải đảm nhận chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều nhóm đối tượng khác nhau. 

Chị LƯƠNG THỊ LÝ, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Bắc Giang: “Thông thường một tháng 4-5 buổi trực đêm. Mỗi tuần trực 1 buổi cả ngày 24 tiếng. Công việc nhiều khi rất mệt mỏi, mỗi người một tính cách. Để cho các cụ hoà nhập được với môi trường chung này nhiều khi rất khó đòi hỏi mình biết cách lựa từng cụ một”

Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Bắc Giang hiện đang chăm sóc nuôi dưỡng cho gần 200 phận đời kém may mắn, trong đó có 50 người cao tuổi. Phần lớn họ là những người người khuyết tật, người già neo đơn, người tâm thần. Tuy nhiên, số biên chế của Cơ sở còn thiếu. Đội ngũ cán bộ y tế, phục hồi chức năng chỉ có 7 người. Khó khăn dường như nhân lên gấp bội khi Cơ sở đang hoạt động tại 2 địa điểm khác nhau.

Ông ĐỖ VĂN VINH, Giám đốc Cơ sơ Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Bắc Giang: “Nguồn lực về con người theo quy định của Bộ Lao động tại thông tư 33 năm 2017, nhân lực thiếu rất nhiều. Hiện chúng tôi có 2 cơ sở, do chia người ra làm 2 nên công tác tổ chức điều hành gặp những khó khăn. Nếu một chỗ thì chúng tôi hoạt động tốt hơn. "

Phòng trực y tế này chưa đầy 20 mét vuông và đây là phòng trực y tế duy nhất của cơ sở. Hàng ngày, các cán bộ y tế thăm khám, kiểm tra theo dõi sức khỏe, xử lý điều trị tại chỗ, điều trị kịp thời cho các đối tượng tại đây. Đây cũng là phòng lưu trữ, bảo quản thuốc của cơ sở. Tuy nhiên, thiết bị làm mát duy nhất cho tủ thuốc, làm mát cho người bệnh chỉ duy nhất là chiếc quạt trần. Mong muốn lớn nhất của bác sĩ Nguyễn Minh Quyền là có chiếc điều hòa để vừa bảo quản thuốc đảm bảo chất lượng đúng quy định, vừa nâng cao hơn công tác chăm sóc người cao tuổi.

Bác sĩ NGUYỄN MINH QUYỀN, Cơ sơ Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Bắc Giang: “Điều kiện để bảo quản thuốc cho đảm bảo chất lượng thì chưa đáp ứng được. Có điều hòa bảo quản dưới 30 độ C thì đảm bảo được. Thuốc thang nóng thì không đảm bảo chất lượng được".

Số lượng người cao tuổi đang dần tăng lên, họ mang trong mình cả tổn thương về thể chất lẫn tinh thần. Áp lực công việc càng tăng lên khi nguồn nhân lực phục vụ, chăm sóc người cao tuổi đang rất thiếu thốn, khi cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh chưa đảm bảo. 

Ông ĐỖ VĂN VINH, Giám đốc Cơ sơ Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Bắc Giang: “ Hiện nay môi trường làm việc, cơ sở vật chất còn cũ kỹ cũng rất lâu rồi, không đồng bộ nên làm việc của cán bộ viên chức thì cũng có một số gặp khó khăn trong vấn đề về điều kiện làm việc. Chúng tôi được phê duyệt mua xe chuyên dụng cứu thương nhưng đến nay cơ sở chưa có”.

Không phủ nhận những Cơ sở bảo trợ xã hội đã luôn cố gắng thực hiện tốt và bảo đảm các nhu cầu cơ bản về chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng, trong đó có người cao tuổi. Tuy nhiên, để các công tác này chất lượng hơn nữa thì rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đoàn thể trong việc bổ sung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để người cao tuổi -những đối tượng dễ bị tổn thương nâng cao chất lượng cuộc sống.

Có thể thấy các cơ sở chăm sóc Người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay nhìn chung tương đối đơn giản và cơ bản giống nhau, những không gian riêng tư cho người cao tuổi gần như không có. Về mặt hạ tầng, quy mô các cơ sở cũng rất khác nhau và không có một tiêu chí thống nhất cụ thể về chỉ tiêu diện tích/người, hay trang thiết bị của các cơ sở còn khá hạn chế. 

Hiện mô hình chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản - quốc gia có tỉ lệ người già cao đang được khuyến nghị áp dụng tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy hiện nay ở nước ta, cơ chế khuyến khích, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi chưa đủ mạnh; cùng với đó là nguồn lực về cơ sở vật chất và nhân lực hạn chế sẽ là thử thách khi triển khai các mô hình hiện đại này.

 Tại Việt Nam, xu hướng già hóa dân số cùng với tốc độ đô thị hóa - hiện đại hóa nhanh chóng đã thay đổi đáng kể tư duy và cách sống của người, trong đó có người cao tuổi. Cảm nhận được nhiều tiện ích và niềm vui khi được sinh hoạt tại trung tâm này, nhiều người cao tuổi cho rằng: vào viện dưỡng lão là xu hướng văn minh.

Bà NGUYỄN THỊ LOAN, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội: Tôi các con đều dạy học cho nên bận lắm đi dạy học, làm bài thi chuẩn bị thi không trông nom được mẹ thì mới đưa mẹ vào đây để các nhờ các cô trông nom chăm sóc, vào đây gặp nhau cụ nọ nói chuyện cụ kia hiểu được hoàn cảnh của nhau thương nhau, giúp nhau để mà cùng vui.”   

Để có được sự thay đổi đáng kể đó là cả hành trình đầy khó khăn và nỗ lực khi các cơ sở chăm sóc người cao tuổi tư nhân đều phải tự vừa làm, vừa nghiên cứu, học hỏi áp dụng. Bởi đến nay các mô hình chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam vẫn chưa có một khung tiêu chuẩn cụ thể nào.

Ông NGUYỄN TUẤN NGỌC, Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức: “Ở Việt Nam của chúng ta theo tôi đến giờ phút này vẫn chưa có nhiều cái chuẩn cho nghề này, ví dụ chúng ta cần phải có chuẩn về phân cấp cấp độ sức khỏe của người cao tuổi. Khi có chuẩn rồi thì mới kiểm tra đánh giá được những cơ sở đó.  Nếu chúng ta không có chuẩn đó thì chúng ta không thể kiểm tra đánh giá thì có rất nhiều vấn nạn xảy ra trong những các nhà dưỡng lão”.

Trong khi yếu tố đầu tiên quyết định mô hình viện dưỡng lão chuẩn hay không là quỹ đất thì hiện hầu hết các địa phương đều không có quy hoạch quỹ đất để xây dựng nhà dưỡng lão. Theo các doanh nghiệp muốn khuyến khích xã hội hóa, chăm sóc tốt hơn cho người cao tuổi thì cần có cơ chế chính sách đột phá tạo thuận lợi cho họ dễ dàng tiếp cận quỹ đất.

Bà NGUYỄN THỊ KIM THANH, Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Nhân Ái: “Các quỹ đất mặt bằng cơ sở vật chất chúng tôi gần như rất khó để tiếp cận, khi không có chúng tôi phải buộc đi thuê các cơ sở tạm thời, chúng tôi chỉ có thể đầu tư ở một góc độ quy mô nào đó chứ không thể mọi thứ hoàn chỉnh như các yêu cầu mong muốn đề ra. Bản thân những người đầu tư như chúng tôi cũng rất mong có được cơ sở đầu tư nhưng không có. Nếu có động tới xin đất bao giờ cũng là sang ngoại thành rất xa vài hecta, đầu tư hàng trăm tỷ như vậy thì rất là khó.”

Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái này cũng là đơn vị tiên phong cung cấp Dịch vụ chăm sóc ban ngày dành cho người cao tuổi theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Một mô hình toàn diện bao gồm chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm thần. Tuy nhiên để phát triển được dịch vụ này không chỉ cần thay đổi nhận thức của người cao tuổi và người thân của họ mà yếu tố quan trọng vẫn là sự quan tâm về cơ chế chính sách ưu đãi.

Hiện nay xã hội đã chấp nhận mô hình dịch vụ chăm sóc người cao tuổi với số lượng người cao tuổi vào các trung tâm, viện dưỡng lão để được chăm sóc ngày càng cao và đa dạng. Cuộc sống càng hiện đại, mức sống càng cao, nhiều mô hình hiện đại hơn đã xuất hiện như: viện dưỡng lão cao cấp, viện dưỡng lão nghỉ dưỡng, viện dưỡng lão resort 5 sao… Mặc dù số lượng vẫn còn rất ít, nhưng điều đó chứng tỏ các đơn vị tư nhân đã nhìn thấy tiềm năng, dư địa trong lĩnh vực này.

Ở viện dưỡng lão đã hơn 1 năm nay, bà Hồng coi đây như ngôi nhà của mình. Căn phòng đầy đủ tiện nghi, lại có bạn bè để trò chuyện, tâm sự, với bà đây là một môi trường tốt để an dưỡng tuổi già.

Bà LÊ TUYẾT HỒNG, Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng: “Ăn ở như khách sạn, các cháu chăm sóc tốt, ở nhà không ai chăm mình được như thế. Sáng 5-6h đã đo huyết áp rồi. Tuần thử tiểu đường 1 lần, cơm bưng nước rót ngày 4 lần. Bà thấy cuộc sống thoải mái." 

 Không chỉ bà Hồng mà đa số người cao tuổi hiện nay đều cần một cơ sở chăm sóc sức khỏe toàn diện. Thế nhưng trên thực tế, số lượng viện dưỡng lão hiện có mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, không đủ đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Bởi vậy, các viện dưỡng lão khi mở ra không chỉ phục vụ cho sinh hoạt cá nhân của người cao tuổi mà còn phải đáp ứng cơ sở y tế, thỏa mãn sở thích và đam mê của họ.”

Chị TRẦN THỊ THUÝ NGA, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng: “Chúng tôi lựa chọn sẽ tìm những cơ sở vật chất, những địa điểm giao thông thuận tiện, gần bệnh viện để tiện con cái thăm nom và khi biến chứng xảy ra thì đưa cấp cứu sẽ kịp thời. Chúng tôi phân theo tình trạng sức khỏe người cao tuổi. Sẽ có những phòng chăm sóc sức khỏe dành cho những cụ yếu và phải phục vụ 100%, sẽ có những phòng dành cho cụ khoẻ mạnh khi đó thì cụ có thể tự do sinh hoạt.”

Để tạo không gian sống trong lành, tốt cho sức khoẻ người cao tuổi, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn các vùng đất ở ngoại thành để xây dựng mô hình viện dưỡng lão như một khu nghỉ dưỡng cho người cao tuổi. Mặc dù mô hình này vẫn còn mới mẻ nhưng đã thu hút nhiều sự quan tâm từ người cao tuổi, họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để phục vụ cho cuộc sống tuổi già.

Bà VŨ THỊ TÂM, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội: “Mình cũng ngần này tuổi rồi, mình muốn đi tìm một bến đỗ cho nó thư giãn. Khuôn viên rộng rãi, không khí trong lành thoáng mát. Trong thành phố thì chật chội, buồn buồn quanh quanh trong phòng nhưng đến đây được giao lưu, được gặp bạn bè, được đi bộ mình cảm thấy nó khoẻ hơn. Mà không lo gì vấn đề sức khoẻ, ở đây đầy đủ, có phòng cấp cứu, có đội ngũ bác sĩ chăm lo, còn yên tâm hơn ở nhà.”

Chị HỒ THANH NGỌC UYÊN, Viện trưởng Viện Dưỡng lão Từ Tâm S-Merciful, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội: "Nhu cầu viện dưỡng lão càng ngày càng nhiều nhưng không đáp ứng đủ hết nên khi mình mở viện dưỡng lão 5 sao như thế này thì mình luôn luôn nghĩ đến hệ thống 5 sao và chất lượng y tế, đem lại không gian sống cho người cao tuổi tốt hơn giống như tập dưỡng sinh, tập yoga, xem phim và đi bộ hàng ngày trong một không gian tốt hơn."

Việt Nam hiện đang có sẵn lợi thế về nguồn nhân lực điều dưỡng viên nhưng lại thiếu hụt nguồn cung viện dưỡng lão. Theo các chuyên gia, trong tương lai, mô hình viện dưỡng lão sẽ trở nên phổ biến và cần thiết cho những người bước vào độ tuổi “xế chiều”. Tuy nhiên để mọi người cao tuổi đều tiếp cận được với mô hình này thì nên chăng có những chính sách phù hợp, đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Già hóa dân số, một vấn đề toàn cầu đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Xu hướng già hóa dân số mang tính tất yếu và không thể đảo ngược. Trong bối cảnh nước ta cũng như nhiều nước đã và đang tiến đến ngưỡng già hóa dân số thì các mô hình chăm sóc người cao tuổi cũng là vấn đề cần xem xét. Vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước? Về vấn đề này phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Hải Chuyền, Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung cuộc trò chuyện!

CỬ TRI CAO TUỔI 

 Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025. Đáng chú ý, một trong những nội dung của chiến lược là đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư. Trước thông tin này, nhiều cử tri cao tuổi đã tỏ ra vui mừng vì loa truyền thanh đã gắn bó với họ suốt một chặng đường dài vừa qua. Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ những bất cập trong cách thức hoạt động của loa phường, xã hiện nay.

Đây là phòng truyền thanh của thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Đều đặn mỗi ngày, 2 bản tin sáng và chiều, mọi tin tức đều được các phát thanh viên truyền tải đến cho người dân qua các cụm loa trên địa bàn.

Ông NGUYỄN QUANG MINH, Phụ trách Đài Truyền thanh thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội: “Cái loa truyền thanh này rất đặc biệt với người nông dân chúng tôi. Bởi vì trực tiếp người dân được nghe các thông tin mới của pháp luật, thứ hai được phổ biến khoa học kĩ thuật về sản xuất nông nghiệp. Ví dụ như cấy như nào chăm sóc lúa ra sao.”

Với người dân nơi đây, loa truyền thanh của xã đã quá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày bởi nó thuận tiện cho họ tiếp nhận thông tin. Đặc biệt với những người cao tuổi. Nếu không có những chiếc loa như thế này thì mọi tin tức sẽ chỉ được cập nhật vào cuối ngày khi con cháu đi làm về.

Ông HOÀNG VĂN OÁNH, Thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội: “Điện thoại rất hiện đại các cụ không biết sử dụng. Vì thế phải có thông tin trên loa đài của thị trấn thì các cụ mới nghe được. Các cụ nghe được thì mới về truyền đạt cho con cháu để giáo dục con cháu chấp hành quy định của nhà nước.”

Ông HOÀNG ĐÌNH KHANH, Thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội: “Tôi vừa nhặt cỏ hành ở đây là chúng tôi có thể nghe được các chương trình của nhà nước, địa phương, chương trình của huyện là chúng tôi nắm được hết. Vừa làm vừa nghe.”

Còn với khu vực nội thành của Hà Nội, dân cư đông đúc nên không ít người cảm thấy phiền toái vì tiếng loa. Để có thể tồn tại và hoàn thành sứ mệnh của mình, các địa phương đã thay đổi cách thức hoạt động của loa phường. Thay vì phát bản tin dài hơn tiếng đồng hồ thì nay mỗi bản tin chỉ kéo dài 15-20 phút. Nội dung cũng được lựa chọn kĩ càng, phù hợp với dân cư trên địa bàn.

Ông TRẦN GIAO, Phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội: Hiện nay loa phường chúng tôi có suy nghĩ là muốn làm tốt thì phải đề ra một số biện pháp ví dụ như số lượng loa, cách mắc loa và cách phát. Mình phải xây dựng một quy chế quy định về phát thanh của loa phường, tránh tình trạng trước có các địa bàn phát dài quá hoặc nội dung không bức thiết.”

Bà TRẦN THỊ KIM DUNG, Phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội: “Khi mình phát lên hệ thống chung, gọi là hệ thống công cộng thì không nên ầm ĩ quá, tức là mình mở ở mức tương đối là dân nghe được. Nếu không có tin tức, không có những tiếng loa đúng là thấy thiếu. Trước cũng có thời gian thành phố không cho loa đài thì dân cũng phản ánh thiếu quá. Nên có để dân cập nhật thông tin và biết tất cả sớm nhất.”

Chị DƯƠNG THỊ THU HUYỀN, Cán bộ Văn hóa Thông tin phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội: “Chúng tôi phát thanh tuyên truyền trên loa sẽ giảm bớt được rất nhiều thời gian cũng như công sức mà cán bộ phường chúng tôi tuyên truyền từng nhà, từng nơi, từng mỗi người dân. Không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận những công nghệ thông tin. Tầm những người lớn tuổi, hoặc trong ngõ sâu, những gia đình khó khăn thì chúng tôi phát thông tin trên loa truyền thanh là những thông tin chính thống và chính thức thì người dân tiếp cận nó sẽ gần nhất và tốt nhất.”

Để nâng hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 tại 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống loa truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố. Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng triển khai đề án "Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố". Cụ thể, hệ thống loa truyền thanh cơ sở tại khu vực ngoại thành vẫn duy trì hoạt động, riêng khu vực nội thành mỗi phường được duy trì từ 5-10 cụm loa, mỗi cụm tối đa 2 loa, trừ các cụm loa được lựa chọn duy trì, hệ thống loa truyền thanh phường còn lại được giữ nguyên trạng và dừng phát thanh chờ phương án sắp xếp chính thức.

SỔ TAY NGƯỜI CAO TUỔI

Dịch cúm mùa đang bùng phát bất thường tại Hà Nội và gia tăng số bệnh nhân phải nhập viện điều trị trong 2 tháng gần đây. Từ tháng 6 tới nay, thành phố đã ghi nhận hơn 1000 ca mắc cúm A, bệnh nhân là người cao tuổi chiếm tỷ lệ 1/3 trong số này. Sổ tay người cao tuổi sẽ giúp quý vị và các bạn nhận biết những triệu chứng của mắc cúm A là gì? Cùng với đó là những khuyến nghị cụ thể của các bác sĩ giúp người cao tuổi phòng ngừa và điều trị khi mắc cúm A.

Bệnh viện Đa khoa Đống Đa- Hà Nội, thời gian gần đây mỗi ngày tiếp nhận hàng chục ca mắc cúm A vào khám và điều trị. Trong số đó, nhiều bệnh nhân là người cao tuổi nhập viện trong tình trạng cấp cứu. 

Chị LẠI THANH NGA, Người nhà bệnh nhân: "Mẹ tôi ở nhà thì thấy khó thở sau đó đưa đi khám thì bác sĩ phát hiện tim to và tràn dịch màng phổi. Sang bệnh viện Phổi sau đó lại đi điều trị tim. Rồi sau đó bà bị cúm A thì các bác sĩ lại chuyển lên đây để điều trị cúm A."

Bác sĩ NGUYỄN THÁI MINH, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa Hà Nội: Trong tháng 7 chúng tôi thây xuất hiện một số ca nhiễm cúm A tương đối nặng và có biểu hiện suy hô hấp. Những đối tượng người già trên 65 tuổi hoặc là những người có bệnh lý nền mãn tính ví dụ như tiểu đường, huyết áp hoặc là viêm gan…những trường hợp này để cẩn thận thì chúng tôi bắt buộc phải cho điều trị nội trú.”

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, mỗi ngày cũng ghi nhận vài chục ca mắc cúm A. Ở những người cao tuổi khi mắc, ban đầu thường các dấu hiệu như ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể. Các triệu chứng này nếu không được điều sớm, bệnh sẽ ngày càng tăng nặng nhất là với những người tuổi cao, hệ miễn dịch suy giảm.

Bà NGUYỄN THỊ TẸO, Bệnh nhân: “Tôi vào đây 7 hôm rồi, hôm đầu tiên ở nhà hơi ho và hơi nóng. Song đến hôm thứ 2 thì tôi lau người thì thấy lạnh song bảo cháu là hôm nay thấy khó thở quá rồi đưa đi viện. Vào đây được nhờ tất cả các bác sĩ, ngày đầu các bác sĩ đã cho thở máy và cho uống thuốc. Đến nay được hơn 7 ngày đã đỡ được hơn 80% rồi.”

BÁC SỸ VŨ MINH ĐIỀN, Phó trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Người cao tuổi thì hệ miễn dịch cũng như cơ quan trong cơ thể thường suy yếu hơn so với người trẻ mà phản ứng cái tác nhân gây bệnh mà cụ thể ở đây là cúm A nó cũng sẽ yếu hơn so với người trẻ. Chính vì thế mà không may bị cúm A thì khi khởi phát bệnh là bán cấp hoặc là từ từ tăng dần chứ không dữ dội như người trẻ. Và nếu nhiều bệnh lý nền kèm theo thì tỷ lệ diễn biến nặng nó cao hơn người trẻ.”

Cúm A là một bệnh lây qua đường hô hấp mà chủ yếu là giọt bắn và dịch tiết mũi họng từ người bệnh sang người lành. Các chủng virus cúm A thường gặp là H3N2, H1N1. Cúm A có thời gian ủ bệnh ngắn, diễn tiến rất nhanh và dễ nhầm lẫn với bệnh lý lành tính khác là cảm lạnh khiến nhiều người chủ quan. Đặc biệt, người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nền cần phải được tiêm vaccine cúm mùa hàng năm theo khuyến cáo của Bộ Y tế. 

BÁC SỸ VŨ MINH ĐIỀN. Phó trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: “Người cao tuổi nên được tiêm phòng theo định kỳ hàng năm và khi không may bị nhiễm cúm thì cũng nên được thăm khám tại các cơ sơ có đủ phương tiện cấp cứu và có kinh nghiệm trong điều trị để giảm các triệu chứng nặng và không may bị nặng rồi thì giảm tỷ lệ tử vong.”

Để phòng ngừa cúm A, người cao tuổi cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường và tránh đến nơi đông người. Khi nghi ngờ mắc bệnh trong khoảng thời gian 24 tiếng có các triệu chứng sốt cao, ho, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, người bệnh cần phải nghỉ ngơi, uống nhiều nước và ăn đủ chất dinh dưỡng. Nếu các triệu chứng này kéo dài hơn 2 ngày không đỡ, người bệnh nên cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và điều trị.

TUỔI CAO GƯƠNG SÁNG 

Phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi không còn mới lạ ở nhiều địa phương trong cả nước. Và đối với các tỉnh miền núi, các mô hình sản xuất nông nghiệp do người cao tuổi làm chủ không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo mà còn góp phần thay đổi diện mạo ở vùng cao. Tuổi cao gương sáng hôm nay sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn câu chuyện của một tấm gương người cao tuổi điển hình làm kinh tế giỏi của xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Nhân vật người cao tuổi này là ai mời quý vị và các bạn cùng theo dõi phóng sự sau.

Dù tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt, nhưng ông Thường vẫn luôn chân, luôn tay trên những vạt đồi bên nhà. Sau 10 năm miệt mài, lao động, hơn một héc ta bưởi và nhãn này, mỗi vụ gia đình ông thu về hơn một trăm triệu đồng.

Ông TRẦN VĂN THƯỜNG, Thôn Cốc Sâm 1, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai: “Đất thì đất trống, hoang hóa, dân thì cũng chưa cập nhật được thì bây giờ làm sao cải tạo được mô hình này thì tôi cũng bàn với vợ con nhưng mà tất cả mọi người cũng cho mình là cũng không đam mê lắm nhưng tôi vẫn quyết thù để khai phá trồng cây.”

Bà TRẦN THỊ MẠN, Vợ ông Thường: “Nhiều lúc tôi cũng động viên ông bảo là lúc nào, thời điểm nào cũng phải giữ gìn sức khỏe. Sức khỏe đến đâu làm đến đấy, lúc nào nắng thì nghỉ, mát thì làm.”

Không để một tấc đất bị bỏ hoang, ông Thường tận dụng những vị trí đất trống dưới tán cây ăn quả để trồng gừng và nuôi ong. Hơn 50 đàn ong rừng nuôi lấy mật được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng kĩ thuật cho hiệu quả kinh tế cao. 

Ông TRẦN VĂN THƯỜNG, Thôn Cốc Sâm 1, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai: Một cây nhãn nó cho ra hoa tầm độ mươi, mười lăm, hai mươi ngày, trong hai mươi ngày ấy thì cứ 5 ngày 1 lần tôi lấy mật,  rất nhiều mật.

Ngoài phát triển kinh tế, ông Thường còn tích cực tham gia công tác đoàn thể tại địa phương. Với vai trò là Chủ tịch Hội người cao tuổi thôn Cốc Sâm, ông Thường dành nhiều thời gian để thăm hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp các hội viên cao tuổi vươn lên trong cuộc sống.

Ông VÀNG SEO CHÚNG, Hội người Cao tuổi thôn Cốc Sâm 1, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai: Trong hội, mọi người đều phải học tập ông và làm theo ông ấy. Nhiều cái rất là hay và giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo. ”

Ông PHẠM VIẾT HƯNG, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai: Chúng tôi đánh giá chi hội của ông và cá nhân ông là một trong những hạt nhân tiêu biểu của xã, của địa phương trong phát triển kinh tế, đặc biệt là các mô hình liên kết như cây ăn quả, nuôi ong rất phù hợp với lứa tuổi của các ông. ”

Với ông Thường, lao động phù hợp với tuổi già là để rèn luyện sức khỏe, và cũng là để nâng cao thu nhập, tạo nên cuộc sống có ích, vui thú tuổi già.

Và câu chuyện không ngừng nỗ lực lao động sản xuất, trở thành tấm gương người cao tuổi điển hình làm kinh tế giỏi của ông Trần Văn Thường cũng đã khép lại chương trình 60+ tại đây. Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi. Hẹn gặp lại quý vị vào chương trình tiếp theo.

Trang Linh