Chương trình 60+: Ồ ạt rút BHXH một lần - Phải thay đổi cách tính lương hưu

Có thể nói lương hưu là câu chuyện không bao giờ cũ và ngày càng được bàn luận sâu, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là vào thời Bộ Lao động thương binh và xã hội đang xây dựng Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội năm 2023.

Theo thống kê, hiện cả nước có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đây là một tỉ lệ thấp. Trong khi đó, chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2022 đã giải quyết BHXH một lần cho 308.100 người, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này sẽ kéo theo những hệ lụy lâu dài với tương lai đối với người lao động lẫn chính sách an sinh.

Theo một nghiên cứu gần đây thực hiện bởi Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc cho thấy, nguồn thu nhập chính của người cao tuổi chủ yếu đến từ hỗ trợ của con cái, chiếm khoảng 38%. Trong khi đó, các nguồn thu nhập mà người cao tuổi có được từ lương hưu chỉ khoảng 15% và từ nguồn trợ cấp xã hội khoảng 10%. Mặc dù khoảng 38% người cao tuổi có thu nhập dựa vào con cái, nhưng cùng với áp lực của tăng tuổi thọ, chênh lệch thu nhập ngày càng lớn hơn, tác động của đô thị hóa thì tới đây hỗ trợ từ gia đình, con cái cho người cao tuổi cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Cũng theo khảo sát của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, số người không tham gia bảo hiểm xã hội năm 2021 trong toàn bộ lực lượng lao động của Việt Nam chiếm đến 63%; Và tương lai, chính những người này sẽ không có lương hưu đóng góp. Cuộc sống tương phản giữa người cao tuổi có lương hưu và không có lương hưu sẽ cho chúng ta thấy được sự ưu việt của BHXH. 

Hiện cả nước có hơn 4,94 triệu người cao tuổi sau độ tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó, 2,6 triệu người hưởng lương hưu; 640.000 người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; hơn 1,7 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Đáng chú ý, có hơn 9 triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng một tầng an sinh nào khác. Dự tính vào năm 2050, dân số già tại Việt Nam sẽ có có 29,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về việc chuẩn bị tuổi già từ khi còn trẻ còn rất hạn chế, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi ở nước ta cũng còn nhiều thách thức./.

 

 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam