Chương trình 60+: Phát triển mô hình viện dưỡng lão - nhu cầu tất yếu của xã hội hiện đại

Viện dưỡng lão là một khái niệm không còn xa lạ ở nước ngoài, loại hình này đã phát triển ở rất nhiều nước trên thế giới từ lâu, nhưng ở Việt Nam Viện dưỡng lão vẫn là một dịch vụ hạn chế và gặp phải nhiều khó khăn. Liên Hiệp Quốc dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ gia nhập vào hàng ngũ những quốc gia siêu già, trong khi số cơ sở dưỡng lão ở thời điểm hiện tại còn khá hạn chế.

Cả nước hiện chỉ có 32/63 tỉnh, thành có viện dưỡng lão dành cho việc chăm sóc người cao tuổi. Còn báo cáo Quỹ dân số Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh, với tốc độ già hóa dân số tương đối nhanh của Việt Nam thì tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn cũng đang có xu hướng gia tăng. Trước thực trạng trên, nhu cầu phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là tất yếu. Điều này đòi hỏi cần có một lộ trình rõ ràng hơn, trong đó phải coi trọng việc xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi và các biện pháp an sinh xã hội với một tổng thể phù hợp trình độ quản lý và điều kiện kinh tế xã hội, cũng như tập quán, truyền thống văn hóa. 

Tốc độ già hóa dân số nhanh nên những vấn đề an sinh, xã hội lần lượt được đặt ra và bàn đến, trong đó có việc người già nên ở với con cái hay vào viện dưỡng lão? Ở Việt Nam, việc đưa bố mẹ già vào viện dưỡng lão vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, các khảo sát nghiên cứu tại Việt Nam đang cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi sống cùng với con cháu đang giảm xuống, trong khi tỷ lệ người sống một mình đang dần tăng lên. Đối mặt với sự cô đơn và bệnh tật của tuổi già, nhiều người cao tuổi lại có mong muốn được vào viện dưỡng lão.

 Người cao tuổi tại các viện dưỡng lão hiện nay chủ yếu là những người gia đình có điều kiện, kinh tế ổn định. Do đó, với những người cao tuổi có thu nhập thấp muốn vào viện dưỡng lão là một điều khó khăn. Bên cạnh nhóm người cao tuổi (NCT) ở nông thôn không có lương hưu, còn nhiều người ở các thành phố phải làm thêm để mưu sinh, sống phụ thuộc vào con cháu hoặc số lương hưu ít ỏi, không đủ chi trả cho các dịch vụ chăm sóc hiện có. Cũng vì thế, ước mơ về một viện dưỡng lão với chi phí thấp là mong muốn của rất nhiều NCT không thuộc đối tượng chính sách.

Bà BÙI THỊ NHÀN, Quận Đống Đa, thành phố Hà Nội: “ Nói chung, cuộc sống rất khó khăn, chỉ cần 1,2 năm nữa không biết sau này chúng tôi sống bằng cái gì vì ngày càng có tuổi, nên lúc đó mà được vào nhà dưỡng lão thì tôi cũng mong mỏi được mở rộng ra, để chúng tôi được xã hội quan tâm”.

Thực tế trong xã hội hiện đại, người cao tuổi dễ có cảm giác lạc lõng, cô đơn. Đây cũng là lý do, ngày càng có nhiều người muốn vào sống tại các Viện dưỡng lão để nâng cao chất lượng cuộc sống tuổi già. 

Bà TRẦN DIỄM THU, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội: “Nhà dưỡng lão chính là sân chơi rất hoàn thiện cho NCT, có y tế, thể dục, có đầy đủ các tố chất mà các nước có rồi, riêng Việt Nam rất quá chậm. Về luật pháp phải dành tâm, trí để sát thực hơn nữa, để NCT vừa cống hiến được và vừa không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.”

Nhu cầu tất yếu trên đặt ra yêu cầu đối với Viện dưỡng lão tại Việt Nam không chỉ là cần gia tăng về số lượng mà còn phải kiện toàn về chất lượng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ toàn diện cả về thể chất và tinh thần của người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện cả nước mới có hơn 400 trung tâm dưỡng lão, trong đó một nửa theo mô hình bảo trợ xã hội, còn lại theo mô hình tư nhân.

Nhìn vào thực tiễn, việc người cao tuổi dưỡng già trong viện dưỡng lão gần như đã trở thành quy luật tại các quốc gia phát triển. Tại Việt Nam, xu hướng già hóa dân số cùng với tốc độ đô thị hóa - hiện đại hóa nhanh chóng đã thay đổi đáng kể tư duy và cách sống của người dân. Bản thân nhiều người cao tuổi và người thân của họ cho rằng vào viện dưỡng lão là xu hướng văn minh, NCT được sống vui, sống khỏe mà con cái cũng an tâm làm việc. Và chính điều này đã  giúp tương lai của dịch vụ dưỡng lão đang được mở ra với nhiều dư địa.

Quyết định rời xa con cháu và ngôi nhà thân thuộc để vào viện dưỡng lão này thật không hề dễ dàng với vợ chồng ông Thanh, bà Loan. Tuy nhiên, sau 6 tháng sinh sống tại không gian mới mẻ với nhiều tiện lợi cho tuổi già thì suy nghĩ cả 2 đều đã thay đổi.

Bà NGUYỄN PHƯƠNG LOAN, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội: “Vì sức khỏe của bà lên đây để an dưỡng, bán nhà ở Hà Nội đi rồi để đem tiền lên đây, ở đây cả đời bao giờ chết thì thôi, bà thấy vui gặp gỡ mọi người vui vẻ lắm. Ở đây hết ý rồi, cơm bưng nước rót không phải làm gì cả cho nên bà lên cân.”

Ông NGUYỄN VĂN THANH, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội: Ông với bà suốt ngày ở với nhau có vấn đề xảy ra thì gọi điện con cháu về, nhưng ở đây chỉ cần bảo các bạn đến lo được đầy đủ, nhưng cái đó ở nhà không có ví dụ chăm sóc y tế ở nhà không có hoặc thường xuyên lo vấn đề sức khỏe thì nhà không làm được chỉ cùng lắm đi cấp cứu; ông bà có tuổi rồi không thể chăm sóc được gọi điện về lúc đó thì cũng không tốt cho nên tốt nhất là phải và những nơi chăm sóc như thế này thì có điều kiện cải thiện tuổi già tốt hơn.”

Mỗi người đến với “ngôi nhà chung” này đều mang trong mình những câu chuyện riêng. Có cụ từng sống gần 50 năm ở nước ngoài, mong muốn được sống những ngày cuối đời ở quê hương và có cả người không có con cái phụng dưỡng, những tưởng sẽ phải đối diện với nỗi sợ hãi cô đơn tuổi già… thì tại đây họ lại tìm được những niềm vui đắp đầy khoảng trống.

Ông TRẦN QUỐC TRINH, Việt kiều Mỹ: “Mình cũng sống như bạn già khác, xuôi tay ra đi như những người khác không gây đau khổ, giống cô em tôi ở nhà mỗi ngày chờ gặp con được mấy phút, qua đây thấy các cháu trong viện dưỡng lão bà ưng quá vì cũng bà ơi con ơi bà thấy vui thì đó là một phần thưởng.”

Nhiều người trước khi đến đây vẫn giữ suy nghĩ “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng khi được sống trong không gian hòa mình với thiên nhiên, nhận được sự chăm sóc tận tình về sức khỏe và nhất là có thêm bạn bè chuyện trò tuổi già, … thì họ đã có suy nghĩ thoáng hơn rằng vào viện dưỡng lão cũng là một lựa chọn tốt cho chính mình. Còn con cái họ cũng muốn chứng minh rằng đây là nơi thể hiện lòng hiếu thảo. 

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG KHANH, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội: “Thế hệ của bố mẹ tôi việc đến với trung tâm dưỡng lão còn rất xa lạ do quan điểm luẩn quẩn quanh chữ hiếu, nhưng chữ Hiếu phải xuất phát từ hoàn cảnh mỗi gia đình. Nếu để người giúp việc ở nhà chỉ có mẹ với người giúp việc mà con cái ít lui tới thì đó cũng chưa hoàn hảo nghĩa vụ làm con và cũng chưa hoàn hảo về mặt tình cảm, nên mình nghĩ đưa mẹ vào đây có điều kiện chăm sóc về thể chất tinh thần và bản thân người con cũng yên tâm làm việc thì đó cũng là thực hiện được chữ Hiếu một phần nào đó.”

Hiện ghi nhận có ba nhóm chính cần đến nhà dưỡng lão: Nhóm thứ nhất là những người cao tuổi có con cái định cư ở nước ngoài hoặc đi làm xa; Nhóm thứ hai là những người cao tuổi vẫn sống cùng con cháu nhưng mong muốn tham gia mô hình dưỡng lão để có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với những người cùng độ tuổi. Nhóm thứ ba là những người cao tuổi bị bệnh mạn tính, sức khoẻ yếu, không còn minh mẫn nên phải có người hỗ trợ toàn diện./.

Dự báo đến năm 2038, nhóm người trên 60 tuổi tại Việt Nam sẽ chiếm tới 20% tổng dân số, tương đương hơn 21 triệu người. Với những con số “biết nói” cùng sự chuyển biến đáng kể trong quan niệm sống, bài toán nan giải tại Việt Nam lúc này: là số lượng viện dưỡng lão còn ít ỏi, không đáp ứng được nhu cầu đang tăng nhanh. Tuy nhiên điều đáng nói là, việc xã hội hóa để mở rộng mô hình này cũng không hề đơn giản, khi bản thân các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động lĩnh vực này vẫn đang phải loay hoay, mày mò và gồng mình giải quyết bài toán phát triển. 

Gắn bó và tâm huyết với việc phát triển dịch vụ chăm sóc NCT, tuy nhiên hành trình để ông Nguyễn Tuấn Ngọc xây dựng được tên tuổi Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức như ngày hôm nay, thật không hề đơn giản. Bởi sau 22 năm sáng lập và đưa Trung tâm vào hoạt động đem lại những hiệu quả nhất định, thì đến nay tại Việt Nam - Viện dưỡng lão vẫn là mô hình mới mẻ, chưa có sự điều tiết của Nhà nước và thiếu sự quản lý của các cơ quan chức năng. Điều đó cũng đồng nghĩa vẫn còn rất nhiều khó khăn mà các cá nhân như ông Ngọc phải đối mặt khi muốn đầu tư phát triển mô hình này. 

Ông NGUYỄN TUẤN NGỌC, Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức: “Nghị định 68, 69, 103,133 và Luật NCT đều đều nói rằng các cơ sở, các tư nhân mở ra các nhà dưỡng lão được hưởng nhiều chính sách, như về đất đai được giao cho đất sạch nhưng thực tế các nhà dưỡng lão mở ra đều không có đất, theo dự án thì rất khó, nếu cho dự án thì cũng rất xa. Thiên Đức cũng như các viện dưỡng lão đều đi thuê đất mà ngắn hạn, dài nhất là 10 năm.”

Chỉ được thuê đất trong thời gian ngắn hạn, nhưng phải đầu tư lớn, bởi các phòng ở để hài lòng được người cao tuổi cũng phải đầy đủ các trang thiết bị tiện nghi như một gia đình. Cũng vì thế việc cân đối thu – chi, ổn định để phát triển luôn là bài toán đau đầu cho mỗi đơn vị tư nhân tham gia đầu tư.

PV Như Thảo: “Đối với người cao tuổi tại thành phố, có lương hưu cao thì việc chi trả chi phí cho sinh hoạt tại một viện dưỡng lão là điều có thể, tuy nhiên số lượng này không nhiều, bởi với mức phí ấn định từ 8 đến 18 triệu đồng/tháng tùy từng gói dịch vụ như thế này thì không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận.”

Ông NGUYỄN TUẤN NGỌC: “Giá dịch vụ của các viện dưỡng lão hiện nay nặng nhất là đi thuê đất, đầu tư đầy đủ như gia đình thì vốn đầu tư rất lớn. Bản thân Thiên Đức 22 năm qua bây giờ chúng tôi vẫn phải đi vay, thậm chí là vay ngoài thị trường chứ không tiếp cận được các ngân hàng, vì đất đi thuê người ta thì ngân hàng không cầm cố. Do đó chúng tôi thực sự phải vay thương mại ở ngoài, tiền vay đó cũng đè lên người cao tuổi. Nếu Nhà nước có những đãi ngộ, có những Nghị định giao đất cho các trung tâm này và được vay vốn để làm thì giá sẽ hạ xuống, thì người cao tuổi lương hưu bình quân thấp khoảng 5 triệu 6 triệu, thậm chí 4 triệu vẫn vào được nhà dưỡng lão. Nơi nào không làm tốt thì 3 đến 5 năm sẽ thu hồi cho đơn vị khác.”

Bà NGUYỄN THANH LỊCH, Quận Đống Đa, thành phố Hà Nội:Nhà nước phải quan tâm đến các viện dưỡng lão. Tại vì nếu Nhà nước cho thuê đất với giá ưu đãi hơn thì các cụ sẽ đóng tiền  rẻ hơn, tại vì đầu vào khó khăn thì đầu ra cũng phải làm sao cho đủ, đáng lẽ Nhà nước phải cho mượn hoặc cho luôn không phải thuê.”

Ngoài kinh phí đầu tư lớn, chưa được tạo điều kiện về quỹ đất, thì như các trung tâm dưỡng lão khác, Bách niên Thiên Đức cũng gặp khó khăn về nhân lực. Mỗi người già thường mang trong mình ít nhất 1-2 bệnh mãn tính, tính tình khó chiều, lại thêm áp lực từ phía gia đình họ nên công việc của điều dưỡng viên rất vất vả. Vì thế, muốn tuyển nhân sự có chuyên môn và tận tâm là việc không dễ dàng.

Anh PHÚC VĂN HUÂN, Điều dưỡng trưởng Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức: “Trung tâm cũng đã tuyển được các bạn vào đây nhưng đa số đều nghỉ việc, các bạn sinh viên mới ra trường thì các bạn đa phần là trẻ cũng mong muốn là làm tại bệnh viện. Khi bước chân vào môi trường chăm sóc người cao tuổi thì các bạn không chịu được áp lực về mặt thời gian, hai nữa là tiếp xúc với người cao tuổi chưa có kinh nghiệm nên đa phần các bạn sẽ xin nghỉ việc.”

Chăm sóc NCT là một nghề nhân văn cần phải được đào tạo chuẩn mực, chuyên nghiệp. Tuy hiện nay đã có mã ngạch đào tạo, nhưng lại chưa có mã ngạch nghề để công nhận đây là một nghề chính thức có chứng chỉ có mã vạch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân không thu hút được nguồn nhân lực cho việc đào tạo nghề này. Việc mở rộng các Trung Tâm chăm sóc NCT cũng vì thế thêm phần khó khăn.

Rõ ràng nhu cầu vào viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam là rất lớn, trong khi mạng lưới hệ thống dưỡng lão vẫn còn rất thiếu và yếu. Mặc dù Chính phủ đặt mục tiêu vào năm 2025 mỗi tỉnh, thành có ít nhất một viện dưỡng lão, nhưng đây thực sự vẫn là bài toán khó. Lúc này việc tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, để tháo gỡ khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân mở rộng mạng lưới dưỡng lão chính là một giải pháp quan trọng. Và về vấn đề này phóng viên Như Thảo có cuộc trao đổi với ông Trương Xuân Cừ - ĐBQH thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch TW Hội NCT Việt Nam. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung cuộc trò chuyện!

CỬ TRI CAO TUỔI NÓI GÌ VỀ DỰ THẢO LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ?

Tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội tiến hành cho ý kiến về Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở. Thực tế cho thấy việc thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn còn hình thức, có nảy sinh nhiều hạn chế, bất cập. Do đó cử tri cao tuổi rất quan tâm trước việc xây dựng Dự thảo luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là làm sao thể chế hóa được quan điểm của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, người cao tuổi có ý kiến góp ý như thế nào cho nội dung này, xin mời quý vị và các bạn lắng nghe những chia sẻ sau đây.

Ông PHẠM XUÂN QUANG, Phường Trung Phụng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội: “Đã là dân chủ cơ sở thì mọi thông tin là người dân phải nắm, phải biết chứ nếu dân chủ chỉ có một bộ phận nào đó thì tôi nghĩ nó chưa toát lên cái ý nghĩa của dân chủ và công khai như thế nào đối với một cơ sở nhỏ thôi tôi chưa nói đến tầm chiến lược nhà nước vĩ mô, nhưng với tinh thần đó thì tôi nghĩ muốn dân chủ cơ sở thì chúng ta phải xây dựng các văn bản sau Luật để làm thế nào đến được người dân để mọi người đều được phổ biến, nắm được hiểu được và có ý kiến.”

Ông NGÔ VĂN LŨY, Phường Văn Chương, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội: Ở cơ sở mỗi năm quản lý Nhà nước phải đối thoại với người dân như thế nào phải có quy định cụ thể một năm mấy lần hoặc có những sự kiện quan trọng hoặc những nhiệm vụ đột xuất thì quan hệ của chính quyền đối với người dân là phải thực hiện một cách nghiêm túc bài bản. Sau khi có Luật xong phải có nghị định hướng dẫn rất chi tiết để cho người dân biết được quyền của người dân và bản thân của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng biết được quyền nghĩa vụ của mình phải làm gì trước những công việc nhiệm vụ chính trị quan trọng ở địa phương.”

Ông BÙI NGỌC THANH, Phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội: “Bây giờ chính quyền cơ sở đặc biệt cấp phường là không còn Hội đồng nhân dân thì việc đưa dân chủ về cơ sở, thực hiện dân chủ cơ sở rất quan trọng đối với mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên mà quan trọng, nhất là vấn đề công khai minh bạch phát động nhân dân giám sát kiểm tra hoặc chế độ của người dân có được thụ hưởng không thì phải giám sát xem người dân có được thụ hưởng hay không, đó là biết dân bàn dân làm chân kiểm tra là ở chỗ đó, yêu cầu phối hợp của các tổ chức này phải nêu cao trách nhiệm hơn phải phối hợp với nhau chặt chẽ hơn thì mới làm được.”

SỔ TAY NGƯỜI CAO TUỔI

Huyết áp thường tăng theo độ tuổi, đặc biệt khi một người đã qua tuổi trung niên. Theo thống kê, gần 3/4 người có độ tuổi từ 70 trở lên bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp không có bất kỳ triệu chứng nào rõ ràng, nếu không phát hiện sớm, điều trị đúng có thể để lại những hậu quả xấu cho người bệnh. Cũng vì thế bệnh tăng huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Và sổ tay người cao tuổi hôm nay sẽ giúp quý vị hiểu hơn về căn bệnh này.

Cách đây một tuần, bà Vũ Thị Tuyết 90 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì huyết áp của bà đo ở mức 240/90, tăng gấp gần 2 lần so với chỉ sổ huyết áp ở người bình thường. Theo bà Tuyết, bệnh này bà đã phải chung sống hơn 10 năm qua, nhiều lần phải vào viện cấp cứu mới qua khỏi.

Bà VŨ THỊ TUYẾT, Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam: “Đến đây được bác sĩ chăm sóc cho tôi ngày nào cũng tiêm 2 mũi kháng sinh và uống thuốc nên bệnh của tôi bây giờ trở lại bình thường. Bệnh 10 phần đã đỡ 8 rồi.”

Bệnh tăng huyết áp thường gặp ở người cao tuổi và nhập viện trong tình trạng cấp cứu như bà Tuyết không phải hiếm gặp. Có nhiều bệnh nhân do không kiểm soát tốt huyết áp nên dẫn đến tổn thương nặng các cơ quan và gây các biến chứng nguy hiểm và khó khăn cho việc điều trị.

Bác sỹ TRỊNH THỊ HÀ MY, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai:Tăng huyết áp không được điều trị sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong kèm theo để lại rất nhiều di chứng ví dụ như trong đột qụy não, bệnh nhân sẽ bị liệt làm giảm chất lượng của bệnh nhân và tăng chi phí điều trị. Theo tôi tất cả bệnh nhân, nhất là những người cao tuổi, nguy cơ tăng huyết áp cao hơn nên được kiểm soát và sàng lọc về tăng huyết áp”

 Theo thống kế tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian gần đây, cứ 10 người từ 60 tuổi trở lên đến khám thì có từ 6 đến 7 bệnh nhân có tiền sử bệnh tăng  huyết áp không rõ nguyên nhân. Có gia đình cả 2 vợ chồng cùng bị bệnh tăng huyết áp.

Ông ĐỖ ĐÌNH TỨ, Huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định: “Tôi ở nhà lúc đầu đi làm về mặt đỏ phừng phừng nên, người khó chịu thấy họ bảo tôi là huyết áp cao, ra trạm xá đo thì huyết áp lên đến 190. Cũng nghi là tim mạch thế thì lên đây đưa bà nhà tôi đi khám huyết áp thì mình cũng kết hợp. Mình càng ngày tuổi càng cao nếu mà không điều trị huyết áp thì nó nguy hiểm.”

Tiến sĩ - Bác sĩ NGUYỄN THỊ MAI NGỌC, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai: “Bệnh tăng huyết áp nếu nói thông thường như các bệnh lý khác khi mà mắc bệnh có những biểu hiện gợi ý để khiến người ta đến viện khám. Nhưng đôi khi bệnh này nó rất là đặc biệt nó có thể phát hiện rất tình cờ có bệnh nhân có triệu chứng nhẹ như bác Tứ nhưng ở đây chúng tôi gặp cũng rất nhiều trường hợp một là đi khám sức khỏe định kỳ mới thấy con số huyết áp cao lúc bấy giờ mới phát hiện tăng huyết áp. Huyết áp là một trong những bệnh lý chiếm tỷ lệ lớn nhất. Cái tỷ lệ này bao nhiêu nay vẫn chiếm 2/3 tống số bệnh nhân đến khám ở đây.”

Theo các bác sỹ, bệnh tăng huyết áp cấp cứu xảy ra khi huyết áp đo được từ 180/120mmHg kèm có kèm một trong các dấu hiệu như: co giật, lừ đừ, nhìn mờ, nôn ói, hôn mê, khó thở, đau tức ngực dữ dội, khi đó thì người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời. Trong điều trị bệnh tăng huyết áp cần phối hợp giữa điều chỉnh lối sống khoa học, ăn uống, tập luyện thể dục, thể thao kết hợp với thuốc hạ huyết áp, giúp người bệnh dễ dàng kiểm soát bệnh.

TUỔI CAO GƯƠNG SÁNG 

Tuổi cao gương sáng hôm nay, chúng tôi mời quý vị và các bạn đến với câu chuyện của một NCT “đặc biệt” tại địa bàn xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đó là ông Triệu Văn Kênh 60 tuổi, dân tộc Dao ở bản Suối Ngõa, xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã từng 10 năm nghiện ma túy. Nhưng với quyết tâm của bản thân và sự giúp đỡ của chính quyền, người thân, ông không chỉ từ bỏ được ma túy mà còn trở thành chủ trang trại chăn nuôi và hiện là giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Suối Ngõa với thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Mới đây, ông còn được là đại biểu tiêu biểu của địa phương dự buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo tỉnh, để kể cho Thủ tướng nghe câu chuyện vượt lên chính mình của ông.

Sau khi ra tù và cai nghiện về trong tình cảnh trắng tay, không có nhà để ở và cũng không còn vốn liếng làm ăn, ông Kênh bắt tay gây dựng lại từ đầu.  Với phương châm “lấy ngắn, nuôi dài” ông Kênh cần cù, chăm chỉ làm ăn để bù đắp cho những ngày tháng lầm lỡ.

Ông TRIỆU VĂN KÊNH, Bản Suối Ngõa, xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La: “Về cái vốn thì thực sự là khó. Khó là bởi vì cái tiếng là mắc tệ nạn xã hội. Cho nên, không vay, không mượn, không làm cách nào được. Cho nên cũng bằng cách đi xin 1 số nhà, người ta cũng thương hại cho vay giống. Rồi đi xe ôm, nuôi cháu. Đi xe ôm kiếm được tiền thế nào rồi lại thêm thắt mua lợn giống. Thế rồi lợn để ra rồi nhân lên, rồi lấy nó nuôi nó.”

10 năm nghiện ma túy, bào mòn sức khoẻ, khánh kiệt gia sản, cuộc sống gia đình ông Kênh những ngày tháng ấy chênh vênh bên bờ vực thẳm. Cũng may ông có người vợ luôn động viên và không bỏ rơi ông ngay cả những khi nỗi tuyệt vọng đã rơi đã chạm đáy. 

Bà BÀN THỊ XUÂN, Bản Suối Ngõa, xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La:Nghiện được 10 năm thì tôi bảo thế này thì chỉ còn mỗi cái xác thôi! Thì ông cố đi cai, có dịp thì ông cố đi cai đi. Để cho nó hết ma túy, để cho nó thành người. Nếu ông không cai được thì ông chết! Thế rồi cả con, cả cái cũng bảo ông ấy đi cai. Thế rồi ông ấy đi cai được 1 năm về thì ông ấy khỏe mạnh”.

Đến giờ, gia đình ông đang sở hữu khoảng 20ha với nhiều loại cây trồng khác nhau. Ông cũng là người đầu tiên trong bản đứng ra thành lập và làm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Suối Ngõa. Thu nhập năm ngoái từ chăn nuôi, trồng trọt khoảng 800 triệu đồng. Bản thân ông cũng là tấm gương điển hình trong làm ăn phát triển kinh tế để nhân dân trong bản noi theo.

Ông TRIỆU VĂN KÊNH, Bản Suối Ngõa, xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La: “Đối với những người đã mắc nghiện rồi thì cũng chưa phải đã hết. Chưa phải đã hết cuộc đời đâu, mà mắc nghiện rồi thì phải quyết tâm từ bỏ bằng được và làm lại. Làm lại thì mỗi người 1 kiểu nhưng phải phù hợp với bản thân mình. Phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình thì vẫn có thể phát triển được."

Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Kênh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn dân cư bản Suối Ngõa. Hiện ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm Phó Trưởng bản đồng thời làm Chi hội phó Hội người cao tuổi của địa phương này. Ông vẫn nói với các con cháu: “lầm lỡ chưa phải là con đường cùng, quan trọng là phải biết đứng dậy và vượt qua nó”.

Hơn 10 năm nghiện ngập triền miên và khi ra khỏi trại cai nghiện ông Triệu Văn Kênh cũng đã ở tuổi 50, và ít ai ngờ rằng ông lại có thể làm lại cuộc đời với 2 bàn tay trắng. Qua chia sẻ của ông trong phóng sự vừa rồi có thể thấy, rõ ràng ma túy không chỉ lấy đi tuổi đời của ông, mà còn lấy đi lòng tin và cả những giọt nước mắt của người thân. Những tâm sự của ông Triệu Văn Kênh ở bản Suối Ngõa, xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cũng như một lời khẳng định rằng: Ma túy đúng là thứ một khi đã nghiện thì rất khó từ bỏ; nhưng bằng sự quyết tâm đứng dậy sau lầm lỡ của bản thân mỗi người, thì rồi những kết quả tốt đẹp đều sẽ đến…. như một câu chuyện cổ tích. Đến đây chương trình 60+ cũng xin được kết thúc tại đây, cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi. 

Như Thảo