Để đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng về bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại COP26, Việt Nam phải đối mặt với thách thức phát triển hướng tới một nền kinh tế carbon thấp. Trong đó định giá carbon, bao gồm thuế carbon và thị trường carbon được coi là công cụ hữu hiệu và khả thi.
Định giá carbon là một công cụ kiểm soát các chi phí ngoại biên của phát thải khí nhà kính. Hiểu một cách đơn giản, định giá carbon là cơ chế trong đó các công ty sẽ phải trả một khoản tiền tương ứng với lượng carbon mà họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính phủ sẽ không phải sử dụng các công cụ áp đặt, mà chỉ cung cấp một cơ chế thị trường để các cơ sở phát thải thực hiện. Thay vì chỉ định ai nên giảm lượng khí thải ở đâu và bằng cách nào, định giá carbon đưa ra một tín hiệu kinh tế và những người gây ô nhiễm sẽ tự quyết định xem có nên ngừng hoạt động gây ô nhiễm của họ, giảm lượng khí thải, hay tiếp tục gây ô nhiễm và trả tiền cho việc tiếp tục phát thải. Bằng cách này, mục tiêu tổng thể về môi trường đạt được một cách linh hoạt nhất và ít tốn kém nhất cho xã hội. Giá carbon cũng khuyến khích các bên sử công nghệ sạch và đổi mới thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế carbon thấp.
Mời quý vị cùng theo dõi nội dung chi tiết của chương trình!