• 1292 lượt xem
  • 21:08 05/06/2022
  • Kinh tế

Chuyên gia khuyến nghị giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6-6,5%

Kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm nay có nhiều điểm sáng, tuy nhiên vẫn đối mặt với một số rủi ro, đây là nhận định mà nhiều chuyên gia đưa ra. Đặc biệt khi mà báo cáo của Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV nêu rõ: Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6% - 6,5% là thách thức rất lớn, các chuyên gia đã kiến nghị về một số giải pháp khắc phục.

Là những chuyên gia Kinh tế theo dõi sát sao những diễn biến trên thị trường, đặc biệt khi Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều ý kiến đồng thuận sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính là những điểm sáng lớn nhất trong bức tranh kinh tế những tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó, việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Ông NGUYỄN BÍCH LÂM
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
“Sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo đã tăng gần 10%, và công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực của nền kinh tế, cái thứ 2 là xuất nhập khẩu cũng khá tốt, 5 tháng đầu năm đã xuất siêu gần 500 triệu USD.”

PGS. TS ĐINH TRỌNG THỊNH
Chuyên gia Kinh tế, Học viện Tài chính
“Khi chúng ta mở cửa du lịch thì ngành du lịch trong những tháng vừa qua đã tăng trưởng một cách rất nhanh chóng và đặc biệt tháng 5 tăng trưởng 300 % so với tháng 3.”

Dù vậy giới chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra những rủi ro đối với nền kinh tế, đơn cử như áp lực về lạm phát. Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI 5 tháng đầu năm đã tăng 2,25%, và có xu hướng tăng lên. 

PGS. TS VŨ SỸ CƯỜNG
Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển Tài chính, Học viện Tài chính
“Trong bối cảnh khi mà Covid lắng xuống thì các hoạt động quay trở lại bình thường, gây áp lực lên các nước, vì vậy chúng ta đều biết lạm phát ở các nước đều cao nhất trong mấy chục năm trở lại đây. Tại châu Âu và Mỹ lạm phát lên đến gần 8% là 1 con số rất đáng kể. Do đó Việt Nam chúng ta tôi nghĩ rằng giữ được lạm phát dưới 4% là 1 thách thức cực lớn.”

Theo các chuyên gia, có 3 nguyên nhân gây ra lạm phát, thứ nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng tác động lên nguồn cung, thứ 2 là giá cả nguyên nhiên vật liệu thế giới tăng cao, và thứ 3 là do tổng cầu tăng đột biến. Do đó để kiểm soát lạm phát, cần có những giải pháp xử lý 3 nhóm yếu tố này.

Ông NGUYỄN BÍCH LÂM
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
“Về đứt gãy nguồn cung, chúng ta phải có những biện pháp đa dạng hóa, làm sao đáp ứng được nhu cầu trong nước, còn giá cả nguyên liệu tăng cao chúng ta phải đảm bảo dự trữ đầy đủ. Đồng thời với xăng dầu chúng ta cần phải có giải pháp để làm sao kiểm soát được giá xăng dầu đừng vượt vượt một ngưỡng cao của nền kinh tế.”

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến nghị về việc đẩy nhanh thực thi gói hỗ trợ gần 350 nghìn tỷ đồng, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Ông NGUYỄN QUỐC VIỆT 
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN 
“Gói hỗ trợ tăng trưởng mà đã được Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ triển khai ngay từ đầu năm nếu chúng ta triển khai nhanh chóng, tập trung, hiệu quả, thì sự đóng góp của gói hỗ trợ này đối với tăng trưởng sẽ rất tích cực.”

Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội đã nhấn mạnh: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5% là thách thức rất lớn, và Chính phủ đã xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Do đó các chuyên gia khuyến nghị, việc phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nhằm giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô.