Chuyên gia kinh tế đặt nhiều kỳ vọng với Diễn đàn kinh tế xã hội 2022

Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam 2022 sẽ có những phiên thảo luận liên quan đến các vấn đề có tính toàn diện tổng thể, đồng thời sẽ rà soát lại tất cả các vấn đề trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó là những kỳ vọng về việc nhận diện những điểm nghẽn quan trọng, đặc biệt liên quan đến cơ chế, thể chế.

Đây là nhận định mà PGS.TS. BÙI QUANG TUẤN , Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Phóng viên LÊ HƯƠNG: Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 sẽ trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề nóng về kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, trong 9 tháng đầu năm cũng như cả năm 2022, vậy theo ông vấn đề gì là trọng tâm, nổi bật nhất là gì?

PGS.TS. BÙI QUANG TUẤN, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Các vấn đề trọng tâm đương nhiên là làm sao để củng cố nền tảng vĩ mô rồi rà soát lại các động lực cho tăng trưởng, đặc biệt là bây giờ làm thế nào tạo động lực cho khối doanh nghiệp phục hồi. Chúng ta đã có 1 số kết quả ban đầu cũng khá là tốt nhưng nhìn chung các doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Thế rồi người lao động, thị trường lao động… cần phải có sự phục hồi, các vấn đề về xã hội rất nhiều vấn đề thì tôi cho rằng Diễn đàn lần này sẽ phải rà soát lại tất cả các vấn đề cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.”

Phóng viên LÊ HƯƠNG: Diễn đàn lần này sẽ rà soát, đối chiếu giữa những mục tiêu đặt ra và kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua. Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thưa ông?

PGS.TS. BÙI QUANG TUẤN, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Điều đó rất quan trọng bởi vì chúng ta đã đặt ra các mục tiêu thì việc bám vào các mục tiêu để có thể thực hiện các mục tiêu đương nhiên là những định hướng quan trọng. Triển khai Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 trên thực tế có thể thấy về cơ bản có những tác dụng rất là tốt, như là tăng trưởng đã phục hồi khá tốt nếu với so với các nước trong khu vực. Chúng ta có đà để có thể phát huy thêm, tuy nhiên nếu nói về các vấn đề cần phải chú ý đặt ra thì còn khá là nhiều. Ví dụ như nhiều chính sách của chúng ta đề ra trong Nghị quyết 43 cũng như Nghị quyết 11 của Chính phủ khi đưa vào thực tiễn ở một số địa phương nó không hẳn là chúng ta đã thiết kế nó trúng. Ví dụ như thời hạn còn ngắn hay một số các khu vực đặc biệt là khu vực phi chính thức thì lại không được chú ý. Khoảng 1/3 nền kinh tế của chúng ta là liên quan đến khu vực phi chính thức, người lao động rất nhiều nhưng người ta là lao động tự do nên khối đấy rất cần phải quan tâm. Chúng ta đều phải rà soát cả để xem có những vướng mắc gì chúng ta có thể bổ sung rồi điều chỉnh.”

Phóng viên LÊ HƯƠNG: Vậy ông kỳ vọng gì vào Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam 2022?

PGS.TS. BÙI QUANG TUẤN, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Cái kỳ vọng nhiều nhất đó là một Diễn đàn thảo luận những vấn đề có tính toàn diện tổng thể. Cái thứ hai tôi cũng kỳ vọng sẽ có sự chia sẻ kinh nghiệm quốc tế của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia quốc tế các trường đại học quốc tế. Cái thứ ba chúng tôi cũng kỳ vọng chúng ta sẽ nhận diện được ra những điểm nghẽn quan trọng, đặc biệt là các vấn đề về thể chế. Tôi nói ví dụ hiện nay như vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm. Chúng ta ai cũng biết nhưng lý do là gì nguyên nhân đằng sau là sao? Thì cần phải có những nhận diện cho đúng và trên cơ sở đó chúng ta có căn cứ đưa ra các đề xuất, kiến nghị giải pháp, đặc biệt là các giải pháp đột phá.”

Phóng viên LÊ HƯƠNG: Một lần nữa cảm ơn ông đã tham gia chương trình.

Như Huỳnh