• 1044 lượt xem
  • 06:01 27/02/2022
  • Kinh tế

Chuyên gia kinh tế đề xuất giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp

Trong bài phát biểu khai mạc “Hội nghị quốc tế thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế”, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện cam kết Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và kêu gọi sự công bằng trong các vấn đề biến đổi khí hậu tại Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26.

Muốn đạt được mục tiêu này cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan và cộng đồng doanh nghiệp để các chính sách và cơ chế thúc đẩy tăng trưởng xanh thực sự hỗ trợ việc tiếp cận và vận dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất vận hành của mình để giảm tối đa những tác động xấu đến môi trường. 

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang cố gắng chuyển đổi đưa doanh nghiệp mình tăng trưởng theo hướng bền vững bằng nhiều cách.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - CEO Tập đoàn Phúc Khang: “Có những quy định mà chúng ta chưa thể có được, chúng tôi mạnh dạn xúc tiến học hỏi ở nước ngoài hoặc là mạnh dạn xúc tiến đầu tư với nước ngoài để chúng tôi có được sự hiểu biết nhận thức về tiêu chuẩn sản phẩm ở góc độ toàn cầu.”

Cùng với việc hoàn chỉnh một hành lang pháp lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các tiến bộ về khoa học kỹ thuật thì nguồn vốn để đầu tư cho kinh tế xanh tại Việt Nam còn khá hạn chế. Tổng dư nợ tài chính xanh của hệ thống NHTM chỉ chiếm khoản 3.7% tổng dư nợ nền kinh tế. Cùng với đó các đợt phát hành trái phiếu xanh với khối lượng lớn được ghi nhận hầu hết tại các thị trường quốc tế. Và như vậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn quốc tế do chi phí phát hành lớn.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV: “Các nước có những khuyến khích chương trình hỗ trợ từ Chính phủ ví dụ  kinh nghiệm một số nước trên thế giới có Quỹ phục hồi xanh hoặc Quỹ tăng trưởng xanh để dùng quỹ đó để trang trải một phần kinh phí.”

Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế: “Trên thế giới rõ ràng là chi phí cho các nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng rẻ đi; đầu tư vào Việt Nam đang tăng lên rất mạnh mẽ trong mấy năm vừa qua về năng lượng gió năng lượng mặt trời. Vậy thì không có lý do gì để giữ giá năng lượng tái tạo cao hơn so với cách làm truyền thống là năng lượng than.”

Các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp năng lượng tái tạo cần nguồn tài chính lớn đang rất cần những chính sách cơ chế từ Chính phủ để có thể trở nên cạnh tranh hơn với các nguồn năng lượng khác về mặt chi phí. Các chuyên gia cũng nêu lên việc cần thiết phát triển thị trường tài chính xanh như một cấu phần quan trọng của kinh tế xanh nhằm thu hút nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư nước ngoài bắt kịp với xu hướng chung của thế giới./. 

Minh Chiến