Chuyên gia kinh tế nói về việc doanh nghiệp bỏ đấu giá ở Thủ Thiêm

Chỉ trong chưa đầy 1 tháng đã có 02 đơn vị xin bỏ cọc các lô đất tại Thủ Thiêm là Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Cty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh. Động thái này được các chuyên gia nhận định có nguy cơ khiến đấu giá đất trở thành kẽ hở, làm lợi cho nhóm lợi ích, gây ra tình trạng giá ảo, nhiễu loạn thị trường tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

>> Tân Hoàng Minh chưa có văn bản chính thức bỏ cọc khu đất vàng Thủ Thiêm

>> Bộ Công an xác minh nhiều dự án của tập đoàn Tân Hoàng Minh

Làm rõ hơn vấn đề này phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM. 

Phóng viên THQHVN: Theo ông, việc các công ty liên tục bỏ cọc sẽ có tác động như thế nào đến tình hình kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản?

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM: Vụ việc vừa rồi có thể kết luận là ở khía cạnh về thị trường nó ảnh hưởng từ góc độ các giao dịch, ảnh hưởng đến thị trường, ảnh hưởng đến biến động giá, ảnh hưởng đến tiêu cực của các cái phát triển bền vững hiện nay. Điểm thứ hai chúng ta nhìn thấy nữa là các khía cạnh về xu hướng của bất động sản thì Việt Nam và đặc biệt là TP.HCM trải qua covid rất là nặng nề đang cần, rất là coi trọng vấn đề thúc đẩy phát triển nền kinh tế thì việc mà chúng ta sử dụng một nguồn lực cho môt điều kiện bất động sản như vừa rồi thì nó sẽ cản trở hoặc làm khó chiến lược chính sách phục hồi kinh tế sau covid của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Cái điểm thứ ba chúng ta thấy được rằng, có những cái lỗ hổng thị trường bất động sản thông qua vụ việc này. Ví dụ việc bỏ cọc đối với một cái đấu giá như thế thường thì rất ít nhưng mà lần này ngoài việc bất thường về giá cả, việc bỏ cọc nó sẽ ảnh hưởng đến việc là tiền lệ cho các phiên đấu giá tiếp theo.

Phóng viên THQHVN: Rất nhiều người đang đặt câu hỏi TP.HCM liệu có tổ chức đấu giá lại đất ở Thủ Thiêm hay không, ý kiến của ông? Và nếu đấu giá lại thì Thành phố Hồ Chí Minh cần làm gì để tránh xảy ra những tình trạng tương tự?

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM: Về căn cứ pháp luật hiện nay thì chúng ta thấy là cũng chưa có một cái điều chỉnh nào như vậy thì theo kế hoạch thành phố sẽ tiếp tục phải đấu giá. Tuy nhiên qua vụ việc vừa rồi có một số điểm cần xem xét thêm trong thời gian tới. Thứ nhất, liệu có một cái điều chỉnh về mặt quy định hay là pháp lý trong các phiên đấu giá tiếp theo. Ví dụ như đánh giá doanh nghiệp tham gia đấu giá, năng lực của họ đưa ra các cái rằng buộc sâu hơn về năng lực. Thứ hai, chúng ta có các quy định sâu hơn mang tính quản lí mang tính pháp lí để đảm bảo rằng khi trúng đấu giá doanh nghiệp phải cam kết triển khai dự án. Thứ ba, hiện nay chúng ta đang có những dự định điều chỉnh về Luật đất đai hoặc những khía cạnh liên quan đến pháp lí thì khả năng phải có những bước điều chỉnh trước cho hoạt động đấu giá và đương nhiên xa hơn trong dài hạn. Chúng ta phải xem xét lại một lần nữa về vao trò của thị trường bất động sản trong sự phát triển của nền kinh tế. Suy cho cùng TP.HCM là một thành phố phát triển, giá bất động sản cũng sẽ tăng đó là quy luật tất yếu của nền kinh tế và đặc biệt là bản chất của bất động sản nhưng nó phải được kiểm soát một cách chặt chẽ, điều tiết, quản trị nó phù hợp đúng động lực, đúng giá trị cho sự phát triển chung của xã hội của đô thị của thành phố.

Xin cảm ơn ông!

Văn Trình