Chuyên gia nêu cách quản trị tài sản trí tuệ tốt nhất trong thời kỳ 4.0

Các tài sản trí tuệ gồm nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh... đóng vai trò sống còn đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập quốc tế và giai đoạn cả thế giới chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Làm gì để các doanh nghiệp có cách tiếp cận thực tế để bảo vệ và quản lý tài sản trí tuệ của mình là nội dung của chuỗi hội thảo do Hội Sở hữu trí tuệ tổ chức.

Trong thời đại 4.0 hiện nay, việc quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp trở nên cần thiết do tài sản trí tuệ là vô hình nhưng có giá trị cực kỳ lớn và chiếm một tỉ trọng lớn trong doanh nghiệp.

Ths VÕ DUY TUYẾN  – Tổ chức sở hữu trí tuệ Việt Mỹ - IPC: “Tài sản trí tuệ cũng giống như các tài sản khác trong doanh nghiệp, chúng ta quản trị tài sản trí tuệ cũng như chúng ta quản trị các tài sản khác. Phải làm sao để quản lý được tài sản trí tuệ của mình một cách tốt nhất? Chúng ta có thể tuyển nhân sự để quản lý mảng này hoặc chúng ta có thể nhờ, sử dụng các dịch vụ, đại diện sở hữu trí tuệ Việt Nam để quản lý tài sản này tốt nhất".

Trước bối cảnh hội nhập kinh tế sâu và rộng, cạnh tranh toàn cầu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở nên đặc biệt quan trọng.

Bà NGUYỄN MINH HƯƠNG – Phó Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam: “Chúng tôi nhắm đến vấn đề quản trị tài sản trí tuệ với mong muốn trong một thời gian ngắn nhất, cung cấp những thông tin mang tính chất cô đọng, đơn giản, dễ hiểu để cho doanh nghiệp có thể hiểu được phần nào là tài sản trí tuệ, cách thức bảo vệ và khai thác nó trong quá trình hoạt động kinh doanh của họ".

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV lần này, Quốc hội sẽ xem xét và tiến hành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, qua đó giúp tạo sự tương thích cao nhất với các điều luật quốc tế; đồng thời, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho cá nhân và doanh nghiệp.
 

Phạm Quyền