Chuyên gia phân tích 3 yếu tố khiến tỷ lệ tự sát ở thanh thiếu niên gia tăng

Nếu năm 2003 tỷ lệ thanh thiếu niên từ 14 – 25 tuổi có ý định tự sát là 3,4% thì năm 2010 đã tăng lên 4,1%. Khảo sát của giới chuyên gia cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ tự sát đang có nguy cơ gia tăng, đặc biệt là ở thanh thiếu niên.

Đây là thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội thảo khu vực phía Bắc về việc thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới và lấy ý kiến về Dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 25/4, tại tỉnh Hà Nam.

Theo các chuyên gia, trên thế giới, tự sát là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai ở người trẻ (từ 15 - 29 tuổi), chỉ sau tai nạn giao thông. Số vụ tự sát ở các nước có thu nhập thấp và trung bình chiếm 77% trên toàn thế giới. Nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ tự sát có nguy cơ gia tăng, trong đó người trẻ có xu hướng tự sát cao hơn người trưởng thành, trẻ vị thành niên có xu hướng tự sát cao hơn các lứa tuổi khác, trẻ vị thành niên có xu hướng tình dục thiểu số và chuyển giới có xu hướng tự sát cao hơn. Nữ vị thành niên đồng tính có nguy cơ tự sát cao nhất.  

Bà MIA NGUYỄN, đại diện Nhóm cộng đồng LGBTIQ: “Các bạn nhận diện mình là người LGBT càng sớm thì ý định tử tự càng cao vì các bạn sống trong căng thẳng đó lâu, bị dồn nén. Vì vậy, nếu cha mẹ nhận ra con mình là LGBT, con mình có biểu hiện của dồn nén cảm xúc thì trước tiên phải làm xì quả bóng cảm xúc đó, không trách con mà tâm sự, chia sẻ để con vượt qua giai đoạn vị thành niên".

TS. KHUẤT THỊ HẢI OANH, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ phát triển cộng đồng: “Có 3 yếu tố lớn, yếu tố về xã hội, không gian mạng, yếu tố gia đình và yếu tố sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, còn một yếu tố quan trọng là bản dạng giới và xu hướng tính dục. Nhiều trẻ chưa biết, chưa tự tin về bản dạng giới. Những trẻ có xu hướng bản dạng giới khác với sinh học, như sinh ra là nữ nhưng muốn là nam và ngược lại, có xu hướng tính dục đồng tính, song tính, có nguy cơ tự sát cao hơn rất nhiều”.

Qua phân tích, các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ và Quốc hội cần sớm có các văn bản pháp lý và chính sách mang tính hỗ trợ để giảm nguy cơ tự sát ở người trẻ, nhất là người đồng tính nữ có cơ thể nữ. Trong đó, trước hết và quan trọng là cần nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng và xã hội về những vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội tiềm tàng có khả năng dẫn tới tự tử. Hoạt động nâng cao nhận thức có thể được thực hiện bởi nhiều tổ chức ở cấp cộng đồng khác nhau cũng như thông qua những dịch vụ hỗ trợ có sẵn.

Như Thảo