Chuyên gia trò chuyện về 40 năm bản "Hiến pháp của đại dương"

Kỷ niệm 40 năm Unclos và 10 năm Luật biển Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phối hợp thực hiện Tọa đàm: Việt Nam, Đất nước nhìn từ biển.

>> Mời quý khán giả theo dõi full chương trình tọa đàm

Chương trình sẽ được phát sóng vào 20h45 ngày 19/06/2022 trên sóng và các nền tảng số của Truyền hình Quốc hội Việt Nam; đồng thời được các kênh thông tấn báo chí Trung ương như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam,… cùng các Đài phát thanh, truyền hình địa phương tiếp sóng trực tiếp. Chương trình với sự tham gia của các vị khách mời đặc biệt:

  • Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Ủy viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027.
  • TS. Đặng Đình Quý, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.
  • Tiến sỹ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ
  • Tiến sỹ Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam.
  • Tham gia chương trình còn có GS Carl Thayer, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về Unclos 1982 cũng như Luật biển quốc tế, thuộc Đại học New South Wales, Australia.
Chương trình với thời lượng 75 phút, gồm 3 phần: 
Phần 1: 40 năm thực hiện UNCLOS - Hiến chương Liên hợp quốc về biển 
Phần 2: 10 năm luật biển việt nam 
Phần 3: Việt nam - Giàu từ biển và mạnh lên từ biển
Xuyên suốt tọa đàm, bên cạnh những chia sẻ, ý kiến quý báu đến từ các vị khách mời, chương trình sẽ đồng hành cùng quý vị khán giả thực hiện chuyến hành trình ngắn đến với biển đảo Việt Nam, đặc biệt là hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. 
 
Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng cho Việt Nam trong việc xác lập cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phù hợp với quy định của luật quốc tế. Và Việt Nam đang là một trong những nước trong khu vực đi tiên phong trong việc triển khai thực thi nghiêm túc và hiệu quả nội dung của UNCLOS.
 
Là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Việt Nam cũng có những nghĩa vụ đối với các quốc gia khác tại các vùng biển thuộc quyền tài phán của mình. Để thể hiện trách nhiệm và thiện chí của một quốc gia thành viên của UNCLOS 1982, trong những năm qua, Việt Nam thực thi đầy đủ các quy định của Công ước, tiến hành sửa đổi, ban hành mới pháp luật Việt Nam phù hợp với các quy định của Công ước, trong đó có một đạo luật vô cùng quan trọng – Luật biển Việt Nam.

 

Thế kỷ XXI được coi là “Thế kỷ của đại dương,” các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á, có trên 3.000 km bờ biển, vùng đặc quyền kinh tế giàu tài nguyên rộng hơn 1 triệu km2 đã đặt ra mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2020 trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển.

 

Chia sẻ về tầm quan trọng của UNCLOS trong bảo tồn bền vững biển và đại dương, TS. Đặng Đình Quý, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp cho rằng: "Biển và đại dương ngày càng quan trọng đối với cuộc sống và lợi ích của toàn nhân loại, đối với cả nước có biển và không có biển. Do đó, luật chơi chung ở đây là UNCLOS. UNCLOS do đó là hiến chương của biển và đại dương. Muốn duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trên không gian biển phải áp dụng UNCLOS”.
 
Chương trình tọa đàm “Việt Nam, Đất nước nhìn từ biển” góp phần nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của công chúng đối với các vấn đề lịch sử, pháp lý về Công ước luật biển 1982 nói chung và pháp luật biển, đảo Việt Nam nói riêng cũng như tuyên truyền sâu rộng về công tác bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đất nước, qua đó, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước  đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần gìn giữ và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia: Đất, Biển, Đảo và Vùng trời của Tổ quốc.
 
Kính mời quý vị đón xem! 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam