Chuyện ít người biết về vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân đầu tiên của thành phố Hà Nội

Ông Trần Quang Huy (1922 - 1995), còn có bí danh Nguyễn Huy Khôi, là nguyên Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa VII. Ngày 19/8/1945, khi Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đầu tiên.

Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám (1945 - 2022), Truyền hình Quốc hội Việt Nam xin giới thiệu trích đoạn hồi ký của ông Trần Quang Huy trong ngày Hà Nội giành chính quyền. 

Hà Nội hôm ấy cực đẹp. Vòm trời trong xanh không gợn chút mây nào. Nắng thu như mật ong vàng óng. Rừng cờ đỏ phấp phới bay trong gió lộng. Khí thế cách mạng bừng bừng trong từng đợt hô khẩu hiệu của quần chúng khởi nghĩa. Cuộc míttinh gồm 30 vạn người, bắt đầu trong không khí hào hùng chưa từng thấy. 

Sau phút mặc niệm những chiến sĩ cách mạng đã lớp lớp hy sinh vì độc lập dân tộc từ ngày đất nước ta bị mất về tay thực dân Pháp, đồng chí Lê Trọng Nghĩa bắn 3 phát súng báo hiệu lễ chào cờ, đoàn nhạc cách mạng rầm rộ cử bài Tiến quân ca hùng tráng, được các loa phóng thanh phát đi vang vang trong thành phố. Một lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên cột cờ dựng ở giữa quảng trường. Trên bao lơn Nhà hát lớn, từ hai bên, lá cờ cách mạng rộng lớn buông xuống làm nền cho lễ dài cuộc míttinh, hàng vạn truyền đơn được tung ra, lượn bay theo gió, rồi hạ nhẹ giữa biển người.

Tiếng vỗ tay vang dậy hồi lâu khi đồng chí Nguyễn Huy Khôi đứng ra trước máy phóng thanh đọc lời hiệu triệu của Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội. Bằng những lời lẽ đanh gọn, bản hiệu triệu vạch rõ thái độ của ta đối với quân Nhật đã bại trận, đối với thực dân Pháp đang lăm le giành lại quyền thống trị của chúng ở Đông Dương, rồi khẳng định: “Điều cần nhất lúc này là chúng ta phải thành lập ngay một Chính phủ Cộng hoà Dân chủ Việt Nam, trong đó dân chúng được tham dự chính quyền để tự định đoạt số phận của mình”.

Tiếp đó theo kế hoạch đã định, cuộc míttinh nhanh chóng chuyển sang tuần hành thị uy, chia thành hai khối lớn đi chiếm lĩnh những cơ quan trọng yếu của chính quyền bù nhìn.

Vào chiều ngày 19/8/1945, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã chỉ định đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ, đồng chí Nguyễn Huy Khôi làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hà Nội. 

Ngay sau khi tiếp quản toà thị chính, đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Hà Nội đã cho công bố bản thông cáo đầu tiên của chính quyền cách mạng Thủ đô, quyết định một số vấn đề cấp bách về an ninh và trật tự trong thành phố, về xoá bỏ những thứ thuế bất hợp lý, về bảo đảm tiếp tế lương thực và thực phẩm cho nội thành. 

Bản thông cáo cũng kêu gọi công nhân viên chức tiếp tục đến làm việc đông đủ ở các nhà máy và công sở, động viên đồng bào Hà Nội ra sức ủng hộ và giúp đỡ chính quyền cách mạng làm tròn nhiệm vụ quản lý thành phố. Tiếp đó, đồng chí chủ tịch gọi điện thoại cho các đồng chí phụ trách Sở Cảnh sát Hàng Trống và cơ quan điện lực thành phố tiến hành ngay việc tháo gỡ tất cả các chụp phòng không đã từng làm cho Hà Nội âm u trong suốt mấy năm chiến tranh, để đến tối có thể chiếu sáng phố phường. 

Tối 19/8/1945, tại Bắc Bộ phủ, Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội đã họp, dưới sự chủ toạ của đồng chí Nguyễn Khang để chuẩn bị cho buổi ra mắt của Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ và Ủy ban nhân dân cách mạng Hà Nội vào sáng hôm sau. Cuộc họp cũng quyết định cử cán bộ cấp tốc lên khu giải phóng báo cáo tin mừng thắng lợi và mời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí Trung ương Đảng sớm về Hà Nội để tiếp tục lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Kiều Mai Sơn