• 1825 lượt xem
  • 15:38 09/01/2022
  • Văn hóa

Giới thiệu sách: Chuyện trà - tản mạn về trà Việt

Thưởng trà từ lâu đã trở thành một thú vui tao nhã mà quen thuộc của người Việt nhưng nguồn cội và lịch sử của trà vẫn là những câu chuyện mà nhiều người muốn biết.

Càng lớn, chúng ta sẽ càng bị cuốn theo guồng quay của cuộc sống. Cuộc sống hiện nay thì đang ngày càng phát triển, kéo theo đó là nếp sống vội vã, hối hả. Đôi khi con người ta bị cuốn vào guồng quay không ngừng nghỉ của xã hội, của thế giới ảo đến mệt nhoài và thèm khát một phút giây tĩnh lặng, để ngồi xuống ngẫm ngợi, nghĩ suy, để nâng lên một li trà ấm nóng, để buông xuống những muộn phiền, suy tư… Thưởng trà từ lâu đã trở thành một thú vui tao nhã mà quen thuộc của người Việt nhưng nguồn cội và lịch sử của trà vẫn là những câu chuyện mà nhiều người muốn biết. "Chuyện trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt" của tác giả Trần Quang Đức là một trong số những câu chuyện như thế.

Không phải một cuốn sách sử liệu với những trang viết nặng tính học thuật khô khan, đúng như tên gọi ”Chuyện trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt” là những câu chuyện tản mạn về trà Việt. Đó là ”Trà nguồn cội” – là nguồn gốc của cây chè, là sự ra đời của tên gọi trà; đó là ”Trà mộc mạc” – là lối uống cổ truyền dân dã của cha ông tự thuở xưa; đó là ”Trà hương sắc” là những dụng công để chế tác trà; đó là ”Trà thưởng thức” – là các cách pha hãm trà trong lịch sử; và kết lại bằng ”Trà tinh thần”- là tinh thần thưởng trà, là chia sẻ về mối kết nối vô hình giữa các trà nhân. Như chính tác giả Trần Quang Đức đã chia sẻ về cuốn sách này ”Chuyện trà không hẳn là chuyện kể về trà, tôi hy vọng còn là sự gợi mở muôn vàn kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa nét đẹp truyền thống với nhịp sống tân thời, giữa thú vui tinh thần với gánh lo sinh kế, giữa những người yêu trà và thích luận bàn Thiền trà một vị...”.
 
Thẳng thắn nhìn nhận về lịch sử của chè và trà từ Đông sang Tây, không ngần ngại so sánh với lịch sử trà ở Trung Hoa, một cách dung dị và nhẹ nhàng cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc những tri thức về lịch sử lâu đời và cũng rất đáng tự hào của trà Việt. Những danh nhân như Nguyễn Trãi, Lê Hữu Trác, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát cùng những câu chuyện gắn với thú uống trà, gắn với tư tưởng của các bậc cao nhân về trà, đã đưa ”Chuyện trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt” khẽ chạm đến độc giả. Giống như cách những lá trà khô sau khi hãm ủ vừa đủ thì bung nở và hòa vị vào dòng nước ngọt trong; những áng văn trong ”Chuyện trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt”cứ lãng đãng, lãng đãng, như hương, như vị, ngấm sâu vào lòng người đọc và để lại những dư âm chát nhẹ, ngọt dịu, thanh mát mà tròn trịa.

Là một tác giả trẻ chính vì vậy cách mà Trần Quang Đức và NXB Nhã Nam thể hiện cuốn sách cũng rất sinh động, khéo léo lồng ghép hình ảnh minh họa giữa mỗi trang viết giúp khái quát cho độc giả 2000 năm vận động và phát triển của trà Việt, từ khởi nguồn là đồ uống bình dân, dần dà được nâng tầm nghệ thuật rồi tiếp tục gắn kết với đời sống tinh thần và hòa chung một vị với tư tưởng thiền đạo. 

”Chuyện trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt cho người ta thấy sự kết nối về tinh thần sẽ không có cách biệt về thời không. Bởi lẽ người nhiều trải nghiệm sẽ có cơ hội được chiêm nghiệm về một thức uống thân quen; và đồng thời gieo vào lòng người trẻ những tò mò, khao khát được gợi mở, được tìm hiểu về trà Việt. Nhưng tựu chung lại, ”Chuyện trà- Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt” mở ra một khoảng không mà ở đó người ta tìm thấy chốn nghỉ chân thanh nhã, để thưởng ngoạn một thức uống thuần túy đến rộng hơn là những thế giới tâm tưởng xa xôi. 

Nhấp một ngụm trà, ngâm một câu thơ là thú vui của cổ nhân. Với thi nhân, uống trà và sáng tác thể hiện nhân sinh quan về thế sự, cuộc đời, có lẽ  cũng vì vậy mà tác giả Trần Quang Đức đã dày công sưu tầm và tuyển dịch phần phụ lục ”Thưởng trà giai phẩm – những áng văn thơ hay viết về trà của người Việt” của những cổ nhân xưa. 

Trà là một mối lương duyên, những trà nhân không chỉ có chung mối duyên với trà mà còn có chung thú vui an hưởng thưởng nhàn, ”Chuyện trà” cũng là một cuốn sách gieo thêm mối lương duyên với văn hóa dân gian vào lòng người đọc,... Như một học giả đã viết: ”Trà không chỉ là trà, Chuyện trà đâu chỉ có chuyện trà thôi đâu! Đặt Chuyện trà xuống, sẽ có hàng ngàn chuyện trà khác tiếp tục ra đời...”