Có thể sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho công tác quy hoạch

Để cân đối nguồn lực cho việc lập quy hoạch, có thể sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để chi cho việc lập, thẩm định, điều chỉnh, công bố các quy hoạch chưa được phân bổ kinh phí. Đây là một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội đề cập nhằm tháo gỡ khó khăn trong trong công tác lập quy hoạch hiện nay.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng: Trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, thành phố hay các quy hoạch khác có những luận chứng mới hay những dự án cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội thì việc cân đối ngay nguồn lực có khả năng chậm thực hiện. Điều này xuất phát từ quy định của Luật Đầu tư công khi phân bổ nguồn vốn đầu tư công thường rơi vào năm đầu tiên của kế hoạch.

Ông TRẦN ANH TUẤN - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Để giải quyết vấn đề này, xin kiến nghị có quy định phân cấp luôn cho địa phương được quyền quyết định bổ sung nguồn lực và kể cả danh mục dự án đầu tư mới mang tính cấp bách đó trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn mà không làm gia tăng bội chi ngân sách của địa phương thì địa phương có thể thực hiện ngay các dự án mới này”.

Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng: Nghị quyết 119 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước để lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Tuy nhiên, các quy định chuyên ngành vẫn chưa theo kịp.

Ông TRẦN VIỆT ANH - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: Hiện nay, về nguồn vốn thực hiện quy hoạch đã được Nghị quyết 119 của Chính phủ năm 2021 tháo gỡ, nhưng các luật và nghị định chuyên ngành vẫn chưa theo kịp, ví dụ như Nghị định 166 năm 2018 về quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, vẫn quy định nguồn vốn cho quy hoạch là nguồn vốn đầu tư công”. 

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có giải pháp cho việc vẫn chưa có đầy đủ các văn bản hướng dẫn tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật chuyên ngành về lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định.

Bà NGUYỄN THỊ LỆ - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Tính liên kết đồng bộ quy hoạch vẫn chưa được đảm bảo, kinh phí thẩm định luật vẫn chưa được thực hiện."

Các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để chi cho việc lập, thẩm định, điều chỉnh, công bố các quy hoạch chưa được phân bổ kinh phí.

Ông NGUYỄN ĐẠI THẮNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: “Cho phép sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để phục vụ việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành mà chưa được bố trí vốn. Có cơ chế để huy động và sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật”.

Kinh phí lập quy hoạch trong kế hoạch đầu tư công là 4.368 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc cân đối, bố trí kinh phí lập quy hoạch còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.