Cơn địa chấn ngành ngân hàng Mỹ

Những ngày qua, thế giới đổ dồn sự chú ý vào sự sụp đổ đột ngột của Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng thương mại lớn thứ 16 của Mỹ và Signature Bank. Việc hai ngân hàng hàng đầu này cùng phá sản chỉ trong vỏn vẹn 48 giờ đồng hồ đã và đang gây ra một cơn địa chấn thực sự đối với thị trường tài chính-ngân hàng Mỹ.

CƠN ĐỊA CHẤN NGÀNH NGÂN HÀNG MỸ ...

Ngày 10/3, Silicon Valley Bank (SVB), một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ, đã tuyên bố phá sản.

Ngày 12/3, Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng khác ra thông báo chung đóng cửa Signature Bank, có trụ sở ở bang New York.

Ngày 14/3, các cổ đông đã khởi kiện SVB Financial Group - công ty mẹ của SVB, cùng Giám đốc điều hành Greg Becker và Giám đốc Tài chính Daniel Beck với lý do công ty đã không công bố rủi ro kinh doanh khi lãi suất tăng, khiến họ trở tay không kịp khi ngân hàng sụp đổ.

Ngày 17/03, Tập đoàn SVB Financial Group nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật Bảo hộ phá sản Mỹ.

PHỦ BÓNG ĐEN LÊN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU

Việc SVB và Signature Bank lần lượt sụp đổ và tuyên bố ngừng hoạt động đã phủ bóng đen lên thị trường tài chính của nền kinh tế số 1 thế giới. Đây cũng là vụ đổ vỡ lớn nhất của ngành ngân hàng Mỹ kể từ giai đoạn suy thoái 2008-2009.

Trong phiên giao dịch ngày 10/3, chứng khoán phố Wall đã ngập sắc đỏ khi các mã cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh. Đến sáng ngày 14/3, nhiều mã chứng khoán chủ chốt đã có sự khởi sắc trở lại, dù khối lượng giao dịch vẫn còn thấp. 4609 - Thậm chí, giá trị đồng USD cũng sụt giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thị trường. Giá dầu cũng giảm do các nhà giao dịch lo ngại sự sụp đổ của SVB sẽ "kích hoạt" một đợt suy giảm kinh tế, có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu thô.

Còn trên thế giới, tại châu Âu, chỉ số Europe 600 Banks theo dõi 42 ngân hàng lớn của Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã sụt giảm 5,6% trong phiên giao dịch sáng 13/3. Cổ phiếu ngân hàng tại các thị trường châu Á cũng trải qua các phiên giao dịch liên tiếp với sắc đỏ là gam màu chủ đạo.

NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ SỤP ĐỔ?

Sự sụp đổ chóng vánh của SVB đã khiến giới đầu tư, các công ty khởi nghiệp và giới công nghệ ở Mỹ bàng hoàng. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi làm thế nào những công ty tài chính lớn như vậy lại có thể sụp đổ nhanh chóng như thế? Nhiều chuyên gia nhận định rằng, kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới ngân hàng này. 

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá gốc rễ dẫn tới sự sụp đổ của SVB đã xuất hiện từ vài năm trước. SVB dường như đã mang tài sản tiền gửi của khách hàng để đầu tư vào kênh trái phiếu chính phủ Mỹ trong thời kỳ lãi suất gần như bằng 0. Với chính sách này, cùng với sự bùng nổ về số lượng công ty công nghệ và khởi nghiệp trong khoảng 20 năm qua, SVB phát triển quá nhanh và giá trị tài sản tăng lên nhanh chóng mặt.

Sóng gió bắt đầu kể từ khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Lãi suất tiền gửi tăng, giá trái phiếu giảm, đã khiến tài sản và giá trị trái phiếu của SVB bốc hơi nhanh chóng. Việc FED tăng lãi suất cũng đã khiến hàng loạt công ty công nghệ rút tiền để giảm gánh nặng lãi suất, do đó càng khiến SVB gặp khó khăn về huy động vốn đầu tư.

Trong khi đó, một số chuyên gia lại “đổ lỗi” cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với việc tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát.

Vụ việc SVB cũng phản ánh một vấn đề về cấu trúc trong toàn bộ hệ thống tài chính của Mỹ. Đó là việc chừng nào Fed còn tiếp tục nâng lãi suất, thì một lượng lớn các ngân hàng không thể trả tiền lãi cho người gửi. Và vấn đề này chỉ mới bắt đầu xuất hiện. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước không muốn đầu tư vào thị trường này nữa.

CHÍNH PHỦ MỸ ĐÃ LÀM GÌ?

Để ngăn chặn một sự sụp đổ mang tính hệ thống sau vụ SVB, Chính phủ Mỹ đã nhanh chóng vào cuộc và nỗ lực tìm hướng giải quyết, giảm thiểu các tác động liên quan vụ SVB phá sản. 2 bước xử lý được giới chức nước này triển khai bao gồm: Cam kết tiền gửi an toàn và tung gói vay mới cho các ngân hàng.

Trong nỗ lực củng cố lòng tin của các nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Bộ Tài chính Mỹ và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đã quyết định bảo đảm tất cả khoản tiền gửi tại SVB và Signature Bank. Theo kế hoạch, các khách hàng gửi tiền tại SVB và Signature Bank có thể tiếp cận tiền gửi của họ trong ngày 13/3. Đồng thời, người dân Mỹ sẽ không phải chịu trách nhiệm với bất kỳ khoản thiệt hại nào liên quan đến 2 ngân hàng này. Thay vào đó, những người nắm cổ phần, các trái chủ và FDIC sẽ chịu mọi tổn thất.

Bước thứ 2 trong kế hoạch của giới chức Mỹ là thiết lập một cơ chế cho vay mới, gọi là chương trình hỗ trợ vốn ngân hàng có kỳ hạn, cho phép các ngân hàng cầm cố trái phiếu, chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS) và các tài sản đủ điều kiện khác làm tài sản thế chấp. Thông qua cầm cố, các ngân hàng sẽ nhận một khoản ứng trước tiền mặt. Lãi suất vay với khoản ứng trước này được cố định ở mức bình quân lãi suất qua đêm liên ngân hàng trong một năm, cộng thêm 0,1%.

LIỆU CÓ HIỆU QUẢ?

So cuộc khủng hoảng tài chính cách đây gần 15 năm, động thái lần này của chính quyền Mỹ ở quy mô giới hạn hơn nhiều, nhưng bao quát và giúp ổn định hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng tỏ ra thận trọng và nhấn mạnh rằng không có gì đảm bảo những biện pháp này sẽ hiệu quả khi xuất hiện một cuộc khủng hoảng niềm tin. Vụ SVB sụp đổ cũng có thể không dẫn tới một cuộc khủng hoảng toàn diện với ngành ngân hàng hay “gây hiệu ứng domino”. Nhưng vụ phá sản này có lẽ là bài học đắt giá cho các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ, đó là cần phản ứng nhanh hơn với các dấu hiệu rủi ro của thị trường.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!