• 1009 lượt xem
  • 06:25 28/04/2022
  • Kinh tế

Công bố PCI 2021, nghe Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh chia sẻ bí quyết để 5 năm liền đứng đầu cả nước

Dịch bệnh phức tạp 2 năm qua đã không làm ngắt quãng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của các địa phương. Điểm tổng hợp PCI 2021 trung vị của cả nước đạt 64,7 điểm, tăng 1,3 điểm so với PCI 2020. Đây là năm thứ 5 liên tiếp tỉnh trung vị trong PCI có điểm số trên 60 (với thang điểm tối đa 100). Đây là nhận định của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khi Công bố PCI 2021 sáng 27/04.

Với 73,02 điểm/100, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về PCI 2021 và là lần thứ 5 liên tiếp giữ ngôi vị Quán quân. Hải Phòng bất ngờ trở thành Á quân sau khi xếp vị trí thứ 7 năm ngoái. Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc lần lượt xếp thứ 3, thứ 4 và thứ 5 bảng xếp hạng.

Ngoài thứ hạng, Báo cáo PCI 2021 cũng ghi nhận: Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục được cải thiện theo thời gian. Chi phí không chính thức giảm xuống 41,4% so với 44,9% năm 2020. Khoảng 57% doanh nghiệp được khảo sát cho biết: Thủ tục hành chính trực tuyến giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. 

Ông NGUYỄN TƯỜNG VĂN - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: “Đối với Quảng Ninh, bí quyết rất đơn giản, đó là luôn đổi mới tư duy, bám sát thực tiễn, luôn tìm ra điểm nghẽn, vướng mắc để giải quyết cho doanh nghiệp. Để giảm chỉ số bôi trơn, tăng tính minh bạch, hiện nay Quảng Ninh có nhiều giải pháp, trong đó cấp độ dịch vụ công trực tuyến cấp 4 là 100%. Tôi nghĩ đây là giải pháp mang tính chất trọng tâm để giảm việc tiếp xúc giữa doanh nghiệp, người dân với các cơ quan chính quyền, từ đó giảm được các chi phí không chính thức."

Ông ĐẬU ANH TUẤN - Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Những nỗ lực cải cách về phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, nỗ lực cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đã có tác dụng quan trọng, làm giảm tham nhũng vặt rất mạnh mẽ. Tôi tin, với đà này, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải cách mạnh mẽ và việc chi trả không chính thức cũng sẽ tiếp tục giảm.

Bên cạnh những điểm tích cực, PCI 2021 cũng chỉ ra gánh nặng chi phí tuân thủ với doanh nghiệp còn lớn. Các thủ tục về thuế, phòng cháy chữa cháy, xuất nhập khẩu và bảo hiểm xã hội còn phức tạp. Chỉ số phòng chống tham nhũng khi thực hiện thủ tục đầu tư tuy giảm 3,5 điểm so với PCI  2020, nhưng vẫn khiến doanh nghiệp phải “chi lót tay”. Một lời khuyên là Việt Nam cần tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ông MAR E. KNAPPER - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: “Tôi nghĩ rằng việc phát triển lực lượng lao động đóng vai trò quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Hiện ta đang thấy có 1 sự chuyển đổi số, kỹ năng số khi Việt Nam đang chuyển đổi kinh tế. Do đó, nhân lực của Việt Nam cũng thể nằm ngoài xu hướng này.”

Năm 2021 là năm thứ 17 VCCI công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Chỉ số dựa trên cảm nhận của 11.300 doanh nghiệp, trong đó hơn 10 nghìn doanh nghiệp trong nước và 1.100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm nay, nhóm nghiên cứu dành 1 chương phân tích các thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; từ đó kiến nghị các chính sách trợ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch cần được thiết kế bám sát nhu cầu và khả năng phát triển của từng nhóm doanh nghiệp, mới phát huy được hiệu quả.

Ngọc Dũng