Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí đốt…là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính. Hiện khoảng 80% nhu cầu năng lượng toàn cầu đang được cung cấp bởi các nguồn nhiên liệu này. Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu, góp phần làm chậm lại sự gia tăng của biến đổi khí hậu.
Năng lượng là lĩnh vực phát thải carbon nhiều nhất ở nước ta, chiếm đến 60% tổng lượng phát thải. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ phát thải của năng lượng còn tăng đến 73%. Việc phát triển năng lượng tái tạo là hướng đi phù hợp với xu thế thế giới, ít gây phát thải CO2 và là giải pháp quan trọng góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP 26. Đặc biệt, nước ta lại có tiềm năng rất lớn cho phát triển năng lượng tái tạo.
Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo. Theo tính toán của Viện Năng lượng, tổng quy mô tiềm năng điện gió trên bờ và gần bờ của Việt Nam là 217GW, trong đó tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi khoảng 160GW; tổng quy mô tiềm năng có thể phát triển của điện mặt trời là 386GW.
Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang thành nước nhập khẩu năng lượng. Do đó, việc phát triển năng lượng tái tạo rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về chính sách là rào cản cho phát triển nguồn năng lượng này một cách bền vững.
Cùng nghe các chuyên gia phân tích và đưa ra những giải pháp tháo gỡ, nhằm thúc đẩy nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh chóng trong thời gian tới ở video dưới đây.