COP 26 | Số 37 |: Nông nghiệp tuần hoàn - Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam

Nông nghiệp tuần hoàn là chìa khóa, là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường. Nhưng hiện nay việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Việt Nam có thể học hỏi gì về kinh nghiệm quốc tế để vượt qua các rào cản và khó khăn này

Trong nông nghiệp tuần hoàn, toàn bộ quy trình từ trồng trọt, thu hoạch, đóng gói chế biến, vận chuyển, ... đều được thiết kế nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Chăn nuôi hỗn hợp, canh tác hữu cơ, nông lâm kết hợp, tái chế và tái sử dụng nước thải là những mô hình chính của nông nghiệp tuần hoàn.

Ở nước ta sản xuất nông nghiệp là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ 2 chỉ đứng sau lĩnh vực năng lượng. Bởi thực tế nông nghiệp ở nước ta còn có quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nhiều hộ nông dân sản xuất theo thói quen tự phát, cộng thêm nhận thức về biến đổi khí hậu, về tác hại của khí nhà kính còn hạn chế. Vì vậy, những hành động canh tác giảm phát thải khí nhà kính cũng sẽ hạn chế.

Mỗi năm, sản xuất nông nghiệp nước ta thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi, chiếm 25- 30% tổng lượng khí thải và một nửa trong số đó đến từ các hoạt động sản xuất lúa gạo. Trong nông nghiệp, 75% tổng lượng khí thải là Mê-tan (CH4), trong đó lượng phát thải lớn nhất là phát thải khí mê tan từ canh tác lúa, góp phần làm trái đất nóng lên. Khí mê tan sinh ra chủ yếu do các chất hữu cơ bị phân hủy trong điều kiện yếm khí khi ruộng lúa bị ngập nước. Ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí mê tan sinh ra càng nhiều. Trung bình mỗi năm, trồng lúa nước phát thải gần 50 triệu tấn CO2 quy đổi.

Theo một số chuyên gia, hiện các địa phương vẫn tập trung chủ yếu vào mục tiêu kinh tế, an ninh lương thực, chưa chú trọng vấn đề giảm phát thải; thiếu cơ chế thúc đẩy, động viên nông dân sản xuất lúa phát thải thấp; chi phí cho sản xuất lúa theo quy trình canh tác các-bon thấp vẫn còn cao; thất thoát sau thu hoạch còn lớn. 

Mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, mang lại chất lượng và giá trị gia tăng cao cho người sản xuất, nhưng quá trình sản xuất nông nghiệp cũng gây phát sinh lượng lớn phụ phẩm, nếu quản lý không phù hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tính tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam mỗi năm là khoảng 160 triệu tấn. Trong đó, có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt; 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi; 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản.

Những con số này cho thấy tiềm năng giá trị của phụ phẩm nông nghiệp. Nếu biết sử dụng đúng cách, các phụ phế phẩm trong nông nghiệp sẽ mang lại giá trị cao hơn và kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp, tạo thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn.

Mời quý vị cùng theo dõi chương trình!

Kim Thanh