COP 26 | Số 7 |: Giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực trồng trọt

Những năm qua, trong bối cảnh mà mọi lĩnh vực đều bị tác động nặng nề bởi đại dịch, ngành Nông nghiệp vẫn giữ được vai trò là “trụ đỡ” quan trọng cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, đây cũng là ngành phát thải nhiều khí nhà kính, trong đó có lĩnh vực trồng trọt. Làm gì để giảm phát thải khí nhà kính trong trồng trọt là nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Ước tính, quá trình sản xuất lương thực tạo ra khoảng 35% tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Lượng khí thải tương đương với khoảng 17,3 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm. Phát thải khí tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực trồng lúa nước, quản lý đất, sử dụng phân bón và quản lý đất phát thải, đốt tàn dư thực vật.

Riêng lĩnh vực trồng trọt chiếm tới gần 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp toàn cầu. Trong đó, phát thải khí trong trồng lúa nước chủ yếu là phát thải khí CH4 (Metan), đóng góp khoảng 12% tổng lượng phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực trồng trọt. Tiếp đến là lúa mì 5% và mía 2%.

Đó là nguyên nhân tại sao, Nam và Đông Nam Á có lượng khí thải trong lĩnh vực trồng trọt lớn nhất tính theo khu vực, chiếm 23% tổng lượng khí thải toàn cầu. Tính theo quốc gia, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia là những nước có lượng phát thải cao nhất từ lĩnh vực trồng trọt. 

Đứng trước thực trạng này, phát triển ngành trồng trọt theo hướng xanh và bền vững trở thành xu thế tất yếu toàn cầu. Các chính phủ, các nhà nghiên cứu và các cá nhân có thể thực hiện các hành động để giảm lượng khí thải từ sản xuất lương thực. Như các nhà lãnh đạo Liên Hợp Quốc đã tuyên bố, việc sản xuất lương thực thân thiện với khí hậu là điều cần thiết để giảm thiểu nạn đói trong một thế giới đang nóng lên.

VIỆT NAM: 30% KHÍ NHÀ KÍNH TỪ HOẠT ĐỘNG NÔNG NGHIỆP

Mỗi năm, sản xuất nông nghiệp nước ta thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi, chiếm trên 30% tổng lượng khí nhà kính toàn quốc. Trong đó gần 70% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt. 

 Các loại khí nhà kính phát thải chính trong lĩnh vực trồng trọt bao gồm khí mê-tan (CH4), N2O và CO2. Lượng phát thải lớn nhất là phát thải khí mê tan từ canh tác lúa, góp phần làm trái đất nóng lên. Khí mê-tan sinh ra chủ yếu do các chất hữu cơ bị phân hủy trong điều kiện yếm khí khi ruộng lúa bị ngập nước. Ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí mê tan sinh ra càng nhiều. Trung bình mỗi năm, trồng lúa nước phát thải gần 50 triệu tấn CO2 quy đổi.

 Trong trồng trọt, việc sử dụng phân bón có chứa nitơ và thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật cũng là tác nhân góp phần làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Sự cần thiết phải cung cấp nitơ cho cây trồng là một trong những lý do chính người nông dân sử dụng phân bón. Tuy nhiên hầu hết các loại cây trồng chỉ sử dụng 50% lượng phân bón được dùng, phần thừa thường bị phân huỷ bởi vi sinh vật trong đất thành N2O – loại khí nhà kính có tác động làm nóng gấp 300 lần CO2.

Trước những tác động tiêu cực của các loại khí nhà kính phát thải chính trong lĩnh vực trồng trọt, thời gian qua, các cơ quan ban ngành đã thực hiện nhiều chính sách, biện pháp liên quan đến việc thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Thế nhưng thực tế thì ngành trồng trọt đang gặp phải những khó khăn vướng mắc gì? 

Để phân tích sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. 

Mời quý vị cùng theo dõi!

 

Thực hiện : Kim Thanh Kim Thoa Hiền Trang