COP 27 - Tham vọng không để hành tinh chìm sâu vào khủng hoảng khí hậu

Hội nghị COP 27 năm nay diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Điều này đặt ra yêu cầu đẩy mạnh nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu và thích ứng với những biến chuyển khó lường của các hiện tượng tự nhiên trên toàn thế giới.

Cộng đồng quốc tế đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị COP 27, bởi đây cũng là dịp để thế giới cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được từ Hội nghị COP 26, với hàng loạt cam kết mạnh mẽ được đưa ra.

Hạn hán, nắng nóng gay gắt, cháy rừng nghiêm trọng…Mưa lớn bất thường, lũ lụt, sạt lở đất…

Các hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra với tần suất ngày càng tăng, phạm vi ngày càng rộng lớn và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tàn khốc nhất phải kể đến thảm họa mưa lũ tại Pakistan, khiến hơn 1.400 người thiệt mạng. Trong chuyến thăm Pakistan, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định, nguyên nhân của hiện tượng mưa lũ bất thường này chính là do biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, châu Phi cũng là khu vực dễ bị tổn thương bậc nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tuy chỉ đóng góp khoảng 4% tổng lượng phát thải toàn cầu. Hạn hán trong 50 năm qua ở miền Nam và vùng Sừng châu Phi đã cướp đi sinh mạng của hơn nửa triệu người, với thiệt hại ước tính lên tới 70 tỷ USD.

Ông ANTONIO GUTERRES - Tổng thư ký Liên hợp quốc: “Hội nghị COP27 phải là nơi để chúng ta xây dựng lại niềm tin và thiết lập lại tham vọng cần thiết, để tránh đưa hành tinh của chúng ta chìm sâu vào khủng hoảng khí hậu.”

Với tư cách Chủ tịch COP 27, Ai Cập đưa ra chương trình nghị sự gồm 4 chủ đề chính, bao gồm: Tài chính khí hậu, Thích ứng với biến đổi khí hậu, Tổn thất và thiệt hại, và Nâng cao tham vọng hành động khí hậu.

Trong đó, tài chính khí hậu được đánh giá là vấn đề hóc búa, trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những diễn biễn không thuận lợi như cuộc xung đột Nga – Ukraine, khủng hoảng năng lượng và lương thực, suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lạm phát leo thang. Tuy nhiên, điểm sáng là các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang thể hiện rõ cam kết hành động chống biến đổi khí hậu.

Tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành đạo luật Giảm lạm phát, trong đó dành khoảng 370 tỷ USD cho các sáng kiến năng lượng xanh. Đây cũng là khoản hỗ trợ cho mục tiêu chống biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Đạo luật sẽ giúp cho các gia đình tiết kiệm được hàng nghìn đô la, thông qua việc cung cấp cho họ các khoản giảm giá khi mua các thiết bị gia dụng mới và hiệu quả hơn, họ sẽ được hoàn thuế khi mua máy bơm nhiệt, lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà, mua xe ô tô điện hoặc xe chạy bằng pin nhiên liệu.”

Trong khi đó, Trung Quốc – quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới cũng đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, đồng thời giảm dần tiêu thụ than trong giai đoạn 2026 – 2030.

Chủ tịch Trung Quốc TẬP CẬN BÌNH: “Chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ các dự án nhiệt điện than. Chúng tôi đã cam kết chuyển từ mức phát thải carbon cao nhất sang mức trung hòa carbon trong một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với những gì có thể, và chúng tôi sẽ hết sức nỗ lực vì mục tiêu đó.”

Do đó, nêu cao tinh thần "đoàn kết quốc tế", "gác lại những khác biệt chính trị" và thúc đẩy hợp tác để tiến tới hành động vì khí hậu chính là lời kêu gọi được Ai Cập đưa ra tại COP 27 năm nay.

Kim Ngọc