COP26 |Số 6|: Bảo đảm nguồn vốn đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh bền vững

Tài chính xanh đang là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu và ngành tài chính Việt Nam nói riêng, đem lại lợi ích rất lớn trong phát triển bền vững gắn với lợi ích môi trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề này hiện còn nhiều vướng mắc, thiếu sự đồng bộ và thực hiện chưa hiệu quả. Vậy thực trạng và giải pháp để đẩy mạnh nguồn vốn xanh, phát triển các sản phẩm tài chính xanh là gì?

THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH XANH TẠI VIỆT NAM CHƯA PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ 

Ngay từ những năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo hướng bảo vệ môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và các công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí để thực hiện các công việc này hoàn toàn là nguồn vốn của doanh nghiệp, không phải từ các ngân hàng hay tổ chức có nguồn vốn đầu tư cho các dự án xanh do các tiêu chí đánh giá cũng như sự hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn xanh còn gặp nhiều khó khăn.

Đại diện Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do hệ thống pháp lý cho tăng trưởng xanh chưa có nhiều, mới chỉ ở giai đoạn bước đầu tiếp cận. 

Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, mà trong đầu tư, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam cũng được đánh giá là đang ở giai đoạn sơ khai. Ví dụ như thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam đang triển khai thí điểm nhưng vẫn chưa có sản phẩm phát hành rộng rãi. Còn thị trường cổ phiếu xanh mới chỉ đưa vào vận hành chỉ số VNSI với quy định yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết phải cung cấp thông tin về môi trường, xã hội và cộng đồng. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm cao. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, dù không thể thực hiện trong ngày một ngày hai nhưng Việt Nam phải dần đi theo xu hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho các dự án xanh và phát triển các sản phẩm tài chính xanh như một xu thế tất yếu.

TÀI CHÍNH XANH LÀ GÌ?

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tài chính xanh là tăng cường mức độ dòng chảy tài chính (ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ khu vực nhà nước, tư nhân và phi lợi nhuận sang các ưu tiên phát triển bền vững. Ngoài ra, tài chính xanh còn được định nghĩa là những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường một cách có ý nghĩa. 

Nhìn chung, hệ thống tài chính xanh bao hàm những hoạt động liên quan tới huy động nguồn tài chính xanh để sử dụng trong các hoạt động đầu tư xanh thông qua kênh thị trường tài chính xanh và các trung gian tài chính xanh, mang lại cả lợi nhuận có thể đầu tư và các kết quả tích cực về môi trường. Do đó, vai trò của chính phủ trong phát triển hệ thống tài chính xanh là tạo điều kiện để các hoạt động của hệ thống diễn ra trôi chảy, thông suốt và hiệu quả.

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH XANH CỦA VIỆT NAM

Tại Việt Nam, Chính phủ đã có chiến lược phát triển thị trường tài chính xanh và một số Nghị định được triển khai.  Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước cũng có một số Thông tư khuyến khích. Trong đó, Quyết định số 2183 là văn bản nền tảng trong phát triển thị trường vốn xanh tại Việt Nam. Bộ Tài chính xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính bao gồm: 
- Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm của thị trường vốn xanh: Trái phiếu xanh (các trái phiếu của doanh nghiệp xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh); Trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh; Các chỉ số xanh, chỉ số bền vững, chỉ số carbon; Các chứng chỉ, chứng chỉ đầu tư xanh của các quỹ đầu tư phát hành; 
- Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK nghiên cứu xây dựng khung tài chính xanh cho thị trường vốn như: ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và trong giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh).

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh. Mục tiêu đối với ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 là 100% ngân hàng xây dựng được bộ quy tắc về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị, bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

HÀNH ĐỘNG CỦA VIỆT NAM

Thị trường tài chính xanh của Việt Nam mới đang ở trong giai đoạn phát triển rất sơ khai. Đã có một số hoạt động, sản phẩm được giới thiệu ra thị trường nhưng chưa thực sự trở thành một xu hướng đầu tư, phát triển. 

Để cung cấp thêm góc nhìn về thị trường tài chính xanh tại Việt Nam cũng như những thách thức trong quá trình phát triển hệ thống tài chính xanh, phóng viên THQHVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ PHẠM SỸ THÀNH - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA).

Mời quí vị và các bạn tiếp tục theo dõi chương trình!
 

Tuấn Anh