COP26: Xây dựng cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được nhiều doanh nghiệp đặt lên hàng đầu, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng đang diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị triển khai các giải pháp nhằm giảm sự phát thải năng lượng ra môi trường, nhưng phong trào này diễn ra chưa mạnh mẽ, chưa thực sự quyết liệt do thiếu những cơ chế ưu đãi đặc thù.

Theo đại diện một số doanh nghiệp, để có nhiều hơn nữa những sản phẩm sử dụng năng lượng xanh, thì công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ là rất quan trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cơ chế, chính sách việc đầu tư cho hoạt động này lại chưa thực sự được đẩy mạnh, mà chủ yếu là do bản thân các doanh nghiệp tự triển khai, thực hiện.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên sau 12 năm triển khai Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ, tính tuân thủ Luật chưa cao, thực hiện chưa nghiêm các quy định về lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kiểm toán năng lượng.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến các doanh nghiệp chưa thực sự đầu tư công tác tiết kiệm năng lượng đó là đang thiếu các công cụ hỗ trợ tài chính đủ mạnh. Thực tế cho thấy, chỉ có những doanh nghiệp có nền tài chính tốt mới dần chuyển đổi sang những công nghệ mới sử dụng năng lượng tốt hơn.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo Quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam vừa công bố, để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040. Nhu cầu đầu tư sẽ tập trung lớn vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp.

Tuấn Anh