Cử tri chờ đợi giải pháp đột phá phát triển ngành nông nghiệp hiện đại

Qua phần trả lời chất vấn đối với lĩnh vực nông nghiệp, cử tri tiếp tục mong chờ những giải pháp thiết thực, tạo ra những thay đổi trên thực tế, thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng ngày càng hiện đại, chất lượng cao, giá trị lớn, mang lại cuộc sống ngày càng ấm no cho nông dân.

Ông HUỲNH ANH THUẬN – Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế: “Tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Lê Minh Hoan đối với câu hỏi của ĐBQH. Câu chuyện nông sản “Được mùa mất giá” thì Bộ trưởng phải căn cơ để tìm giải pháp. Theo tôi câu chuyện ở đây là đầu vào, đầu vào phải chất lượng thì mới có đầu ra. Đầu vào thì phải liên minh các hiệp hội tạo ra chuỗi giá trị nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam. Đồng thời tạo ra những điểm nhấn chất lượng sản phẩm và đánh dấu sản phẩm bản địa từng địa phương để tìm đầu ra. Tìm ra nhiều thị trường khác nhau thay vì phụ thuộc thị trường lớn nhất là Trung Quốc. Khi tìm đầu ra chất lượng thì cũng góp phần giải quyết đầu vào, giúp nông dân có cơ sở tham gia các hiệp hội thông qua đầu tư máy móc công nghệ cao, tái đầu tư cho nông sản của mình.”

Ông CAO HỮU HẢI - thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế: “Các giải pháp của Bộ trưởng đã định hình nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Với vai trò là người dân sống ở nông thôn tôi cho rằng cần có nhiều giải pháp để nông dân tham gia nền nông nghiệp công nghệ cao nhiều hơn. Qua đó giảm tác động của thiên tai như hạn hán, ngập úng, nâng cao năng suất, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm.”

Ông ĐỖ VĂN THỊ, Huyện Tân Trụ, Tỉnh Long An: “Cơ chế thị trường hiện nay qua thời kỳ Covid-19 thì mình mới thấy rõ các nước nây giờ người ta không nhận hàng hoặc hàng mình làm không chất lượng, thuốc trừ sâu, hoá chất còn rất nhiều cho nên đầu ra không có, từ đó ngành xuất nhập khẩu không được, lý do rất rõ. Vừa rồi tiếp xúc Quốc hội đã nắm được cái này, nên qua trình bày tôi thấy rất thắm thiết, đúng theo nguyện vọng của dân, cụ thể nây giờ là phải tổ chức lại sản xuất về nông nghiệp, không sản xuất nhỏ lẻ, tự phát mà với hình thức tổ hợp tác chẳng hạn, cánh đồng mẫu sản xuất theo quy trình.”

Ông TRẦN VĂN LIÊM, Huyện Tân Trụ, tỉnh Long An: “Qua trả lời chất vấn của bộ trưởng tôi thấy những tâm tư, nguyện vọng của người dân gửi đến Quốc hội được Bộ trưởng trả lời như thế chúng tôi rất là mừng, tất là ở trên đã nghe thấy hết rồi nhưng mà cách làm thì phải chờ, phải có quá trình chứ không phải một ngày một giờ mà công việc cải tạo nông nghiệp của mình làm tốt được. Do đó, tôi cũng mong muốn rằng Quốc hội lần này phải đi vào thực tiễn, thực tế để người dân bớt khổ.”

Ông LÊ QUỐC VIỆT, Thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang: “Nói về thương hiệu lúa của Việt Nam thì lúa mùa cũng có thể làm lúa thương hiệu, lúa cao sản cũng có thể, nhưng mà để làm được thì phải có chiến lược tổng thể. Hiện nay chỉ thấy Nhà nước cứ để doanh nghiệp làm là chính, chưa thấy được sự chủ lực của Nhà nước. Ví dụ như Thái Lan, tương đồng như chúng ta nhưng cả Chính phủ vào cuộc để làm lúa thương hiệu.”

Ông HUỲNH PHI LƠ, Xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang: “Hiện nay hợp tác xã chúng tôi làm nông nghiệp hữu cơ không bón phân hóa học, chỉ bón phân sinh học. Tuy nhiên nhưng giá thành không cao hơn so với những người bón phân hóa học, lúa sạch mà giá không cao cho mấy. Đề nghị Nhà nước hỗ trợ, kêu gọi doanh nghiệp thu múa lúa cho bà con nông dân trong hợp tác xã.”