Cử tri có nguyện vọng gì trong phát triển kinh tế - xã hội?

Phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhiều vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ 3 được cử tri cả nước quan tâm, theo dõi, đánh giá cao về chất lượng.

Ông TRẦN THANH TÂN - Quận Sơn Trà, Đà Nẵng: “Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu tăng cao khiến các mặt bằng khác đồng loạt tăng theo, có mặt hàng tăng 50%, ảnh hưởng trực tiếp đến người  làm công ăn lương, người dân có thu nhập thấp và dân nghèo. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách kìm hãm đà tăng giá hiện nay, tạo sự ổn định, phát triển đất nước cũng như sự an tâm cho người dân".

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN QUANG - Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Huế, Đại học Huế: “Tôi rất quan tâm vấn đề chỉ số CPI chúng ta vượt rất cao so với năm trước. Hai là tốc độ tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến đời sống, vì điều này có thể dẫn đến lạm phát. Nhà nước cần giải pháp tầm vĩ mô để kiểm soát lạm phát cũng như ổn định lâu dài kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.”

Ông MINH TRÍ - Tỉnh Thừa Thiên Huế: " Nhiều tổ chức tín dụng và ngân hàng báo cáo nợ xấu gia tăng ở mức kỷ lục nhưng báo cáo tài chính cho thấy mức độ tăng trưởng luỹ kế lợi nhuận lại đạt biên độ cao. Đây là vấn đề khó hiểu nên Quốc hội, Chính phủ phải tăng cường giám sát để minh bạch tài chính, có phương án tái cơ cấu các tổ chức này để quản trị dòng vốn, tránh chảy vào các thị trường tiềm ẩn rủi ro nhiều, làm tăng nợ xấu như: vàng, ngoại tệ, bất động sản.”

Ông Y KHÚT NIÊ - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV: “Tôi đánh giá cao việc điều hành của chủ toạ: linh hoạt, chủ động, phù hợp với tình hình thực tế.  Tôi hy vọng Chính phủ có thể năng động hơn, cụ thể, chi tiết hơn trong việc kiềm chế lạm phát. Vấn đề thứ 2 là điều hành đầu tư công, đặc biệt là việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đây là điều kiện cần để phát triển KTXH. Thứ 3 là kiềm chế gia tăng về giá cả xăng dầu.”

Chị NGUYỄN THỊ ÁNH - Phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk: “Tôi thấy các đại biểu thảo luận rất sôi nổi. Là phụ huynh nên tôi quan tâm nhất là vấn đề giáo dục, nhất là áp lực việc học đối với các con em ngày càng tăng. Bên cạnh đó, học phí ngày càng tăng, giá cả sách khoa tăng 2-3 lần. Tôi nghĩ cần triển khai các giải pháp để đưa giá thành sách và học phí bình ổn”.

Ngày mai, 2/6, buổi sáng: Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ truyền hình trực tiếp phiên thảo luận bắt từ 8h00 sáng, mời quý vị và các bạn quan tâm theo dõi.