Cử tri nói gì về những vấn đề tại bệnh viện công hiện nay

Chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ chưa cao, thủ tục hành chính rườm rà là một số vấn đề người dân mong muốn ngành y tế thay đổi thực trạng này. Với mục tiêu Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, cử tri mong muốn khi dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua, sẽ tạo nên bước chuyển căn bản cho ngành y tế.

Cử tri cho rằng việc khám chữa bệnh ở bệnh viện công hiện nay còn nhiều bật cập, chất lượng phục vụ chưa cao, thủ tục rườm rà cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến. Đây là những nguyên nhân dẫn đến quyền lợi của người bệnh bị hạn chế, thậm chí nhiều người không muốn khám bằng bảo hiểm mà muốn chạy đến bệnh viện tư để được hưởng dịch vụ chăm sóc tốt hơn

Cử tri LƯU ĐỨC DŨNG, Quận Ba Đình, Hà Nội: "Điều trị ở nhiều bệnh viện công thì tôi thấy rằng có những cái bất cập. Cái bất cập là mâu thuẫn giữa cái đầu tư kinh phí với nguồn của nhà nước là chưa đủ cho nên bệnh nhân được hưởng chế độ không đầy đủ. Nhà nước phải đầu tư như nào cho xứng đáng thì mới giải quyết được. Tôi ví dụ điều trị theo bảo hiểm thì thuốc men bị khống chế bởi thang của bảo hiểm, ví dụ bệnh của anh như này anh chỉ được điều trị theo thời gian khống chế với các loại thuốc nhất định dù có khỏi hay không khỏi. Trong khi ở bệnh viện tư người ta có thể tăng giá tiền lên để ngươi ta điều trị cho tăng kết quả tốt hơn"

Cử tri PHẠM THỊ CHUNG,Quận Ba Đình, Hà Nội: "Tôi chỉ mong khi vào đến bệnh viện công, người ta được chăm sóc không phải đặc biệt nhưng mà cũng phải tận tình và chu đáo một chút vì đã coi người bệnh là trung tâm phục vụ mà khi đi khám ở bệnh viện công, người ta không phải đến bệnh viện tư nữa, người ta vẫn yên tâm được"

Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị hiện nay vấn đề thủ tục nhập viện ở các bệnh viện công còn rườm rà gây khó dễ cho người nhà và người bệnh đến khám và điều trị. Khi chưa chuyển được bảo hiểm, chưa nộp đủ tiền thế chấp, nhiều cơ sở khám chữa bệnh còn chậm trễ hoặc từ chối điều trị cấp cứu. Trong khi đó liên quan đến vấn đề này, luật quy định tại Mục 4, Điều 53 quy định trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, “những trường hợp cấp cứu thì không đòi hỏi phải có BHYT hay phải làm thủ tục, đóng viện phí trước rồi mới được cấp cứu. Cấp cứu kịp thời cho người bệnh được đặt lên hàng đầu”.

Cử tri NGUYỄN THỊ HỮU, Quận Long Biên Hà Nội: "Vào viện làm thủ tục giấy tờ nhiều khi chưa chu đáo, chỉnh chu đâm ra dẫn đến tình trạng ách tắc. Tâm lý khi người bệnh trong tình trạng nguy kịch là phải cứu trước còn tiền viện phí gia đình sẽ có trách nhiệm đóng. Chứ nhiều trường hợp coi như là cứ chờ tiền viện phí nộp vào thì mới điều trị các thứ thì lúc đấy bệnh nhân có khi đi tận đâu rồi"

Luật Khám bệnh, chữa bệnh là một luật khó lại diễn ra trong bối cảnh ngành y có rất nhiều vấn đề phải xử lý. Chắc chắn những quy định còn bất cập, vướng mắc trong Dự thảo sẽ được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, phân tích đánh giá kỹ lưỡng vào ngày mai. Cử tri mong muốn Luật này nếu được Quốc hội thông qua và khi có hiệu lực sẽ giải quyết được những vấn đề mà Bộ Y tế đã xây dựng theo đúng nội dung hướng đến "lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”.

Tiến Dũng