Cụm tiêu điểm: Bất chấp cảnh báo, số người rút bảo hiểm xã hội một lần liên tục tăng cao

Dù liên tục được cảnh báo nhưng thực tế vẫn ghi nhận tình trạng số người rút bảo hiểm xã hội một lần năm sau luôn cao hơn năm trước. Con số thậm chí tăng cao bất thường như trong 4 tháng năm 2023 có đến gần 370 nghìn người, tăng hơn 120% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, tại nhiều tỉnh thành phía nam chứng kiến tình trạng người lao động xếp hàng dài trắng đêm, để lấy số, rút BHXH một lần. Và đến nay, mặc dù quá trình hoàn thiện dự thảo luật BHXH sửa đổi đang dần hoàn tất, thì số lượt người đến làm thủ tục tại các cơ quan BHXH vẫn rất đông.

Ngay từ sáng sớm rất nhiều người lao động đã có mặt tại cơ quan BHXH làm thủ tục rút BHXH một lần.

Theo thống kê, Giai đoạn 2016-2022: gần 5 triệu lượt người lao động hưởng BHXH một lần, tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia là 5-6%. Người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài nhà nước.

ĐA SỐ NGƯỜI RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN LÀ NỮ 

Thật đáng lo ngại khi tốc độ tăng lượt người lao động rút BHXH 1 lần mỗi năm là 12,3%, cao gấp đôi so với số người tham gia BHXH mới. Có nghĩa là mỗi năm quỹ BHXH cứ đang nhỏ dần đi.

Đa số lý do rút BHXH 1 lần là để giải quyết khó khăn kinh tế trước mắt. Theo số liệu thống kê, việc đóng BHXH khiến thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình lao động giảm trung bình 8,2%; Phần lớn người rút BHXH một lần là nữ dưới 35 tuổi, với nhu cầu lớn cho chi tiêu sinh hoạt và nuôi dạy con cái. 

Từ đầu giờ sáng, chị Bình đã có mặt ở BHXH quận 1. Tham gia BHXH gần 7 năm nhưng vì đang thất nghiệp, khó xin việc mới, lại một mình nuôi con nhỏ nên cực chẳng đã, chị quyết định rút BHXH một lần để trang trải các chi phí trước mắt.

Rời quê Kiên Giang lên TP.HCM lập nghiệp hơn 10 năm thì chị Kiều Nhi đến nay đã có 6 năm tham gia BHXH. Vừa qua do công ty khó khăn ít đơn hàng nên chị phải tạm nghỉ. Đang lúc nuôi con nhỏ, mọi chi tiêu gia đình phụ thuộc vào công việc cầm chừng của chồng. Nếu sắp tới không có các nguồn hỗ trợ, chị có thể phải tính đến việc rút BHXH.

Đại diện LĐLĐ TPHCM kiến nghị cần có thêm các chính sách hỗ trợ thiết thực cho các lao động, đặc biệt là lao động nữ để giữ chân họ trong hệ thống BHXH.

Thu nhập eo hẹp, bấp bênh. Mà chi tiêu thì cứ leo thang từ nhà trọ, xăng xe, ăn uống đến học hành con cái…. Dù biết BHXH sẽ giúp ích cho tuổi già nhưng khi cuộc sống trước mắt còn không lo nổi thì rút BHXH đành là sự lựa chọn bất đắc dĩ của người lao động. 

UBXH ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG TRỢ CẤP GIA ĐÌNH NHẰM HẠN CHẾ RÚT BHXH MỘT LẦN

Khảo sát do viện Công nhân công đoàn thực hiện mới đây cho thấy, phần chi cho con cái là 1 trong 2 khoản chi tiêu lớn nhất của người lao động, chiếm đến ¼ chi tiêu hàng tháng. Từ thực tế này, trong quá trình thẩm tra dự án Luật BHXH (sửa đổi) Uỷ ban Xã hội đã nhiều lần đề nghị bổ sung chế độ trợ cấp gia đình nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho lao động, đặc biệt lao động nữ đang nuôi con nhỏ. 

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội tại phiên họp UBTVQH thứ 25 nhấn mạnh, việc bổ sung vào Dự thảo Luật BHXH sửa đổi chế độ trợ cấp gia đình có thể giúp người lao động giảm bớt khó khăn trước mắt khi sinh con và nuôi con nhỏ; giúp giữ chân người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội thay vì hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Đồng thời, đề nghị Bộ nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế về trợ cấp trẻ em là con của người đóng BHXH tự nguyện, như giảm giá hoặc miễn phí tiêm chủng, hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho trẻ.

Dù yêu cầu bổ sung nhiều lần nhưng đến phiên họp UBTVQH thứ 26 mới đây, cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn chưa đưa chính sách này vào dự thảo Luật sửa đổi. Với lý do thiếu nguồn kinh phí.

CHÙM PHỎNG VẤN ILO VÀ CHUYÊN GIA 

Trợ cấp trẻ em cũng là một trong các chế độ thuộc Công ước 102 về quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội, mà Việt Nam chưa triển khai trong hệ thống bảo hiểm xã hội. Đây là một góp ý vào dự thảo luật BHXH sửa đổi của Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam. ILO khuyến nghị bổ sung trợ cấp trẻ em để giảm gánh nặng chi phí cho người lao động, tập trung hỗ trợ hộ gia đình với các gói ngắn hạn, nhiều tầng bao phủ nhằm mở rộng hệ thống an sinh. Đây cũng là ý kiến được sự đồng tình của nhiều chuyên gia, ĐBQH. 

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ TRỢ CẤP NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐÓNG BHXH

Nhìn ra thế giới, một số quốc gia cũng đã có những chính sách khác nhau để trợ cấp người phụ thuộc của người đóng bảo hiểm xã hội gặp khó khăn. Những chính sách này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong việc đảm bảo an sinh cho người dân. Đây là kinh nghiệm để Việt Nam có thể tham khảo trong lần sửa đổi Luật BHXH này. 

TRUNG QUỐC 

Hệ thống an sinh xã hội Trung Quốc quy định 5 chế độ bảo hiểm xã hội và mỗi chế độ có một quỹ riêng. Riêng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và quỹ bảo hiểm sinh đẻ thì chủ doanh nghiệp phải đóng (người lao động không phải nộp), việc này hỗ trợ phụ nữ nuôi con nhỏ, tránh việc phải rút bảo hiểm xã hội. Với gia đình có người lớn tuổi, Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền cho cha mẹ, đổi lại con cái họ sẽ phải chịu trách nhiệm đóng BHXH.

BRAZIL

Brazil là quốc gia điển hình trong việc trợ cấp trực tiếp tiền mặt đi kèm với cam kết của người thụ hưởng để đảm bảo mục tiêu an sinh lâu dài của Nhà nước. Cụ thể, chính phủ sẽ hỗ trợ phụ nữ nuôi con bằng tiền mặt. Khoản này được giám sát chặt chẽ và người thụ hưởng phải cam kết cho con đi học, nếu không sẽ phải hoàn trả. Hỗ trợ tiền mặt không có nghĩa là cho không mà cần đặt điều kiện để đảm bảo trẻ em được hưởng phúc lợi và an sinh lâu dài cho người lao động. Việc duy trì cho trẻ đến trường cũng là tạo nguồn lực tương lai. Lao động thực hiện đúng cam kết được đỡ dần gánh nặng chi phí nuôi dạy con một thời gian dài. Khi con cái lớn cũng là lúc họ đã tham gia hệ thống BHXH nhiều năm, đủ thời gian hưởng lương hưu sẽ cân nhắc ở lại thay vì rút BHXH một lần.

ĐỨC, PHẦN LAN

Để giảm gánh nặng lên người đóng bảo hiểm xã hội, Đức và Phần Lan cũng có trợ cấp gia đình có con nhỏ, như giảm giá hoặc miễn phí tiêm chủng, hỗ trợ học phí. Đơn cử tại Đức, phúc lợi trẻ em (Kindergeld) là khoản thanh toán hàng tháng được trao cho cha mẹ, bất kể thu nhập của họ cao hay thấp nhằm đảm bảo nhu cầu cơ bản của trẻ em. Trợ cấp nuôi con được chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của cha mẹ hoặc bằng tiền mặt. Từ năm 2023, số tiền này được cố định ở mức 250 euro (tương đương 6,5 triệu VNĐ) mỗi tháng cho một trẻ, bất kể gia đình có bao nhiêu con.

Có thể thấy rút BHXH một lần là vấn đề lớn nhất còn lại trong sửa đổi Luật BHXH lần này. Để giải quyết vấn đề này, Dự án luật sửa đổi đã đưa ra 2 phương án, nhưng chưa tìm được phương án tối ưu nhất. Dựa trên thực tế và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Báo cáo thẩm tra mới nhất của Ủy ban Xã hội vẫn bảo lưu quan điểm cần bổ sung trợ cấp như miễn phí tiêm chủng, hỗ trợ học phí cho con em lao động tham gia BHXH tự nguyện nhằm giữ chân người lao động trong hệ thống BHXH.

Hiện tại, việc hoàn thiện dự thảo luật BHXH sửa đổi đang ở vào giai đoạn nước rút để trình ra kỳ họp thứ 6 tháng 10 này và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 7 tháng 5/2024. Hy vọng cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng và cân đối các nguồn lực ngân sách có thể huy động nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để họ có thể yên tâm ở lại hệ thống BHXH.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết! 

Bùi Vũ -

Hữu Ái -

Phạm Quyền -

Như Thảo -

Cao Hoàng -

Quang Sỹ