Cụm tin quốc tế 17/7: Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến thăm Trung Đông

Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến thăm Trung Đông; G20 đạt đồng thuận trong giải quyết thách thức toàn cầu; Bắc Macedonia đạt bước tiến để gia nhập EU; Nguy cơ với nền kinh tế toàn cầu nếu Mỹ tăng lãi suất; Người dân Sri Lanka kì vọng vào tương lai... là những tin tức quốc tế đáng chú ý tối 17/7.

TỔNG THỐNG MỸ KẾT THÚC CHUYẾN THĂM TRUNG ĐÔNG

Ông Joe Biden vừa kết thúc chuyến thăm Trung Đông đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, với lịch trình dày đặc tại 3 chặng dừng chân chính bao gồm Israel, khu Bờ Tây của Palestine và Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên kết quả của chuyến thăm được đánh giá là chưa có đột phá, khi nhiều vấn đề được ông ông Biden kì vọng vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Chuyến công du Trung Đông từ ngày 13-16/7 của Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt ra nhiều mục tiêu kỳ vọng, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt trên các thị trường năng lượng và hàng hóa thế giới. Tổng thống Mỹ muốn thuyết phục các nước trong khu vực, đặc biệt là Ả-rập Xê-út, tăng sản lượng dầu khí, qua đó giảm bớt áp lực chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình Mỹ. Tuy nhiên, đã không có lời hứa hẹn chính thức nào được đưa ra liên quan đến lời đề nghị này.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Arab ngày 16/7, Saudi Arabia cho biết không đủ công suất để tăng sản lượng dầu thô lên hơn 13 triệu thùng/ngày, một sự từ chối khéo khi nước này vướng ràng buộc của không chỉ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mà cả OPEC+.

Thái tử Ả-rập Xê-út MOHAMMED BIN SALMAN: “Ả-rập Xê-út sẽ thực hiện vai trò của mình trong vấn đề sản xuất dầu và khí đốt. Chúng tôi đã tuyên bố tăng công suất sản xuất lên 13 triệu thùng mỗi ngày, và sẽ không thể tăng sản lượng thêm nữa.” 

Một mục tiêu khác trong chuyến thăm khu vực của ông Biden là Mỹ muốn tạo thêm mặt trận để gây thêm áp lực với Iran về vấn đề hạt nhân, đồng thời xoa dịu mối lo ngại của các nước Trung Đông, đặc biệt là Israel – cũng không thu được kết quả, khi thông cáo chung đưa ra sau hội nghị đã gần như không đề cập đến vấn đề này.

Dù vậy kết thúc chuyến thăm, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn đã nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ tiếp tục là đối tác tích cực tại khu vực Trung Đông. Ông hi vọng, các vấn đề sẽ sớm được giải quyết khi các bên hợp tác với nhau chặt chẽ hơn.

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Mỹ đầu tư xây dựng một tương lai tích cực trong khu vực, trong quan hệ đối tác với các bạn. Mỹ không đi đâu cả. Trên bàn hội nghị là rất nhiều nững người có vai trò giải quyết vấn đề, có rất nhiều thứ chúng ta có thể giải quyết nếu chúng ta hợp tác cùng nhau.” 

Dù kết quả thế nào, chuyến thăm vẫn là cơ hội để Tổng thống Mỹ thể hiện cam kết đối với khu vực Trung Đông, sau khi hầu hết thời gian qua đã tập trung cho cuộc chiến ở Ukraine và ứng phó với tầm ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc ở châu Á.

G20 ĐẠT ĐỒNG THUẬN TRONG GIẢI QUYẾT THÁCH THỨC TOÀN CẦU

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc sau hai ngày họp tại Bali. Dù không đưa ra được thông cáo chung nhưng các nhà lãnh đạo cho biết đã đạt được đồng thuận mạnh mẽ trong nhiều vấn đề, bao gồm bất ổn an ninh lương thực và nguy cơ khủng hoảng nợ tại nhiều quốc gia.

Trong tuyên bố kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc G20, Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Indonesia cho biết, phần lớn các nước thành viên đều cho rằng xu hướng mất an ninh lương thực và năng lượng đang gia tăng ở mức báo động, vì vậy tất cả đều nhất trí hợp tác và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương để giải quyết các thách thức.

Bà SRI MULYANI INDRAWATI, Bộ trưởng Tài chính Indonesia: “Tôi cho rằng kết quả tốt nhất của hội nghị là tất cả các quốc gia thành viên, kể cả các tổ chức quốc tế, đều nhận thức rất rõ rằng thế giới cần sự hợp tác ngày càng nhiều hơn nữa, bởi không ai có thể giải quyết một mình. Chúng tôi đã bàn về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch và lạm phát, tất cả những điều này đều có mối liên hệ với nhau. Vì vậy, chúng tôi nhất trí rằng cần tiếp tục duy trì tinh thần hợp tác và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.”

Nhiều bước tiến đạt được tại hội nghị khác như nguyên tắc quản lý tiền điện tử và tiền tệ kỹ thuật số, nhất trí tiếp tục ủng hộ các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cũng như Thỏa thuận khí hậu Paris… Dù vậy, những khác biệt trong quan điểm về vấn đề Ukraine đã khiến hội nghị không đưa ra được tuyên bố chung chính thức. Dự kiến cuộc họp tiếp theo của các Bộ trưởng Tài chính G20 sẽ diễn ra vào tháng 10 tới tại thủ đô Washington, Mỹ.

BẮC MACEDONIA ĐẠT BƯỚC TIẾN ĐỂ GIA NHẬP EU

Các nghị sĩ Bắc Macedonia vừa bỏ phiếu thông qua một thỏa thuận do Pháp làm trung gian, nhằm giải quyết tranh chấp với Bulgaria, mở đường cho các cuộc đàm phán để nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Với 68 phiếu thuận, quốc hội gồm 120 ghế của Bắc Macedonia đã thông qua thỏa thuận, theo đó hiến pháp Bắc Macedonia sẽ được điều chỉnh để công nhận một cộng đồng thiểu số người Bulgaria và tiếp tục thảo luận các vấn đề còn tồn đọng giữa hai nước. 

Macedonia đã trở thành ứng viên gia nhập EU từ năm 2005, nhưng Bulgaria, một thành viên của khối, đã ngăn chặn bất cứ cuộc đàm phán nào do tranh chấp về vấn đề ngôn ngữ và lịch sử giữa hai quốc gia. Chỉ đến tháng trước, Bulgaria mới chấp thuận dỡ bỏ rào cản, với điều kiện EU đảm bảo Bắc Macedonia đáp ứng những yêu cầu của họ về các vấn đề này.

NGUY CƠ VỚI NỀN KINH TẾ TOÀN CẦU NẾU MỸ TĂNG LÃI SUẤT

Tại Mỹ, lạm phát đã chạm đỉnh mới trong tháng 6 với mức 9,1%, có nguy cơ kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong ngắn hạn. Để kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ thảo luận về kế hoạch tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm vào cuối tháng 7 này. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo,động thái này có thể khiến thị trường tài chính chao đảo và làm tăng nguy cơ đẩy các nền kinh tế khác rơi vào suy thoái. 

MỸ CHẬT VẬT ĐỐI PHÓ LẠM PHÁT

Người dân Mỹ: “Giá cả mọi hàng hóa đều tăng cao chóng mặt. Ngay cả những mặt hàng cơ bản hàng ngày như trứng, sữa. Bạn hãy thử đi ra dãy hàng hoa quả, thật không thể tin được, không có gì dưới 3 đôla/pound, tức là gần 1 đôla một quả táo. Thật điên rồ.” 

Người dân Mỹ: “Hôm qua tôi đã mua một lốc Coca cola 6 lon với giá 8 đô la, mà tôi cứ nhớ rằng nó chỉ 5 đô la hồi tháng trước. Mà không chỉ có vậy, mọi mặt hàng giá cả đều vượt qua trí nhớ của tôi.” 

Rất nhiều người tiêu dùng Mỹ bị sốc trước cơn bão giá đang hoành hành ở nước này. Cục Thống kê lao động Mỹ vừa công bố báo cáo cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng ở mức 9,1% trong tháng 6. Đây là mức lạm phát cao nhất được ghi nhận tại nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ tháng 11/1981.

Lạm phát đang dẫn đến một cuộc khủng hoảng tiêu dùng tại Mỹ, buộc hầu hết người dân phải thắt chặt chi tiêu. Theo các chuyên gia, nền kinh tế Mỹ đang chậm lại bởi lạm phát tăng nóng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ cảnh báo, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể xảy ra suy thoái vào cuối năm nay. Ngày càng nhiều ngân hàng lớn dự đoán, suy thoái sẽ xảy ra trong năm nay hoặc năm sau.

Đứng trước tình trạng lạm phát tăng cao hiện nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm vào cuối tháng 7 này. Đây sẽ là mức tăng lớn nhất kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ bắt đầu trực tiếp sử dụng lãi suất qua đêm để điều chỉnh chính sách tiền tệ vào đầu những năm 1990. Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ tăng lãi suất sẽ phá hủy bất cứ cơ hội phục hồi nào của nền kinh tế toàn cầu. 

NGUY CƠ GÂY SUY THOÁI KINH TẾ TOÀN CẦU

Lãi suất cao hơn đươc cho là một công cụ mạnh mẽ để chống lại tình trạng giá cả tăng cao. Tuy nhiên, những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ ngay lập tức có tác động lớn đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng, cũng như ảnh hưởng đến các nền kinh tế yếu hơn. 

Phó giáo sư kinh tế YIP SAU LEUNG, Đại học Công nghệ Nanyang: “Việc Mỹ tăng lãi suất có thể lan sang các nước khác như một hiệu ứng dây truyền. Chính vì việc tăng lãi suất mà tiền điện tử, Bitcoin rớt giá kỷ lục. Chúng ta đang phải trả giá cho sự tăng lãi suất từ phía Mỹ.” 

Lãi suất cao hơn ở Mỹ sẽ khiến các nhà đầu tư đổ dồn về đây để gửi tiền, khiến giá đồng đô la Mỹ tăng cao hơn so với các đồng tiền khác. Người tiêu dùng trên toàn cầu có thể cảm nhận được sức ép từ việc này, bởi hàng hóa trên toàn cầu hầu hết được định giá bằng đồng đô la Mỹ, sẽ tăng giá lên rất nhiều, nhất là nguyên liệu thô.

Ông JIMMY MOYAHA, Nhà phân tích độc lập: “Chúng tôi cho rằng trong tương lai, việc tăng lãi suất sẽ sẽ có tác động lớn đến một số lĩnh vực nhất định và cả nền kinh tế Mỹ và thế giới. Thực tế chúng ta đã thấy lạm phát tại Mỹ, hoặc suy thoái tại Mỹ, hoặc bất cứ điều gì xảy ra ở Mỹ, cũng sẽ là chất xúc tác cho những gì xảy ra trên khắp thế giới.” 

Các thị trường mới nổi và nhiều nước đang phát triển có thể sẽ rơi vào suy thoái trước những nguy cơ này, như Sri Lanka đã phá sản và nhiều nước có thể cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva mới đây cũng đã cảnh báo về rủi ro lan tỏa đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi dễ bị tổn thương từ quyết định tăng lãi suất của các nước.

NGƯỜI DÂN SRI LANKA KÌ VỌNG VÀO TƯƠNG LAI

Từ một quốc gia ổn định, Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội chưa từng có kể từ khi giành độc lập năm 1948. Trong bôi cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Sri Lanka sẽ diễn ra vào ngày 20/7 tại Quốc hội nước này, nhiều người dân bày tỏ hi vọng đất nước sẽ sớm ổn định trở lại.

Hồi tuần trước, Colombo - thủ đô của Sri Lanka - đã rung chuyển bởi những cuộc biểu tình mạnh mẽ, châm ngòi từ sự bất mãn của dân chúng đối với hoạt động kém hiệu quả của Chính phủ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế. Sau các cuộc biểu tình, Sri Lanka đang trong những ngày bình ổn trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống ngày 20/7.

Ông POKIASOTHY SARAVANAMUTTU, Chuyên gia phân tích chính trị: “Tôi nghĩ rằng điều cần thiết nhất hiện này là đất nước có sự ổn về định chính trị để tạo nền tảng cho sự phục hồi kinh tế. Sự ổn định chính trị có nghĩa là phải có một người lãnh đạo đất nước nhận được sự tin tưởng của tất cả người dân.” 

Là đất nước chưa từng thiếu lương thực, nhưng Sri Lanka hiện đã trở thành một quốc gia vỡ nợ. Kinh tế suy thoái dẫn đến bất ổn chính trị kéo dài nhiều năm đã thách thức khả năng chịu đựng của người dân. Quốc gia Nam Á không còn đủ ngoại tệ để nhập khẩu nhiên liệu, lương thực, thuốc men, các mặt hàng thiết yếu. người dân Sri Lanka hi vọng, đất nước sẽ nhanh chóng bầu ra được Tổng thống mới để giúp giải cứu nền kinh tế.

Người dân Sri Lanka: “Nếu có thể tìm ra người phù hợp nhất thì mọi chuyện sẽ ổn. Còn nếu họ chỉ muốn có quyền lực thì mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Đất nước sẽ không bao giờ tiến lên được.” 

Người dân Sri Lanka: “Những gì chúng tôi muốn nói với Tổng thống mới là hãy hành động để giải cứu nền kinh tế của đất nước.”

Sri Lanka đang phải đàm phán với Quỹ tiền tệ quốc tế về một gói cứu trợ kinh tế song không phải với tư cách là một quốc gia đang phát triển, mà là một quốc gia vỡ nợ. Theo các nhà phân tích, Sri Lanka đang bước vào một thời kỳ bất định và bất kỳ ai trở thành Tổng thống mới cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn những thách thức, mà trước mắt là tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kép, hàn gắn những chia rẽ chính trị sâu sắc, tái cơ cấu các khoản nợ để nhận được các khoản cứu trợ mới của cộng đồng quốc tế. 

Hồng Nhung