Malaysia ban hành quy định mới cho người nhập cảnh bằng đường hàng không; đề xuất tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 4 cho người trên 65 tuổi; Nga tuyên bố rút khỏi Hội đồng châu Âu; Liên hợp quốc kêu gọi hỗ trợ Yemen ngăn chặn nạn đói hoành hành; phá rừng trái phép lưu vực sông Amazon...là những tin tức quốc tế đáng chú ý chiều 16/3.
Malaysia ban hành quy định mới với người nhập cảnh bằng đường hàng không
Kể từ ngày hôm nay 16/3, các quy định mới đối với người nhập cảnh bằng đường hàng không vào Malaysia sẽ chính thức có hiệu lực. Chính sách trên hỗ trợ du khách dịch chuyển được thuận tiện hơn mà vẫn đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Bộ Giao thông Malaysia cho biết quy hình hoạt động tiêu chuẩn (SOP) dành những người nhập cảnh nước này từ Campuchia, Singapore và Thái Lan thông qua hành lang đi lại cho người hoàn thành chương trình tiêm chủng (VTL) bằng đường hàng không sẽ được thống nhất, trong đó sử dụng phương pháp “xét nghiệm và đi”.
Theo đó, quy trình xét nghiệm Covid-19 và đợi kết quả sẽ được thu gọn. Thay vào đó du khách có thể về nơi lưu trú ngay sau khi làm xong thủ tục, và cập nhật thông tin sức khoẻ lên 1 ứng dụng chung có tên MySejahtera. Tuy nhiên, du khách vẫn phải tự cách ly trong 24h đợi kết quả xét nghiệm.
Plizer/Biontech đề nghị Mỹ cấp phép tiêm liều vaccine thứ 4 ngừa covid-19 cho người trên 65 tuổi
Hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech đã kiến nghị lên Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine Covid-19 của hãng này để tiêm liều vaccine thứ 4, là liều tăng cường thứ 2, cho những người từ 65 tuổi trở lên.
Theo 1 nghiên cứu, kết quả phân tích từ 1 triệu người trưởng thành trên 60 tuổi cho thấy tỷ lệ mắc bệnh nặng hơn ở những người tiêm thêm liều tăng cường thứ 2 sẽ thấp hơn so với người chỉ tiêm 1 liều tăng cường. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra tác dụng của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian, việc bổ sung các liều tiêm tăng cường sẽ củng cố khả năng miễn dịch trên cơ thể người. Tiến sĩ Anthony Fauci-Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm tại Mỹ cũng nhận định việc người cao tuổi cần tiêm liều tăng cường thứ 2 là hết sức cần thiết để ứng phó với các đợt bùng phạt dịch mới.
Nga rút khỏi hội đồng châu Âu
Nga đã chính thức tuyên bố rút khỏi Hội đồng châu Âu trước khi cơ quan giám sát nhân quyền hàng đầu của châu Âu công bố lệnh trục xuất Nga theo dự kiến.
Theo nghị quyết được thông qua vào ngày 15/3, sau khi Nga ra tuyên bố, Hội đồng châu Âu cho rằng Nga nên rời khỏi ngôi nhà chung châu Âu như 1 hệ quả thiết yếu từ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Sau khi Nga dời khỏi tổ chức này, Công ước châu Âu về nhân quyền sẽ không còn áp dụng với quốc gia này, và người dân Nga sẽ không thể khiếu nại chính phủ lên Tòa án Nhân quyền châu Âu nữa. Hội đồng Châu Âu được biết đến là 1 tổ chức được thành lập vào năm 1949, trong đó Nga đã gia nhập vào năm 1996. Tính đến nay, Nga là quốc gia thứ 2 rời khỏi đây.
Mỹ: Bắt giữ nghi phạm xả súng vào 5 người vô gia cư
Sở Cảnh sát Thủ đô Washington D.C, đã bắt giữ nghi phạm trong 2 vụ xả súng nghiêm trọng tại thành phố New York và Washington vào 5 người đàn ông vô gia cư, trong đó có 2 người tử vong.
Theo nhà chức trách Mỹ, vụ nổ súng đầu tiên xảy ra vào ngày 3/3 và 1 người khác bị bắn ở Washington vào ngày 8/3. Tiếp theo đó, nghi phạm tiếp tục ra tay vào ngày 9/3 và 12/3. Dấu hiệu được ghi lại bởi camera giám sát cho thấy tất cả các vụ việc kể trên đều thực hiện bởi cùng 1 nghi phạm. Sau 1 thời gian truy vết tên tội phạm với sự hỗ trợ từ người dân địa phương, cảnh sát Washington đã bắt giữ được kẻ tình nghi. Hiện nguyên nhân gây ra các vụ xả súng hàng loạt kể trên đang tiếp tục được điều tra làm rõ thêm.
Kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp 4,3 tỷ USD để ngăn chặn nạn đói tại Yemen
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Phó Tổng Thư ký Martin Griffiths nhấn mạnh Yemen về thực trạng 19 triệu người nước này đang sống trong cảnh thiếu thốn lương thực nghiêm trọng. Theo ước tính, tỷ lệ người dân cần giúp đỡ là 75%, tương đương 23,4 triệu người.
Tối 15/3, một hội nghị cấp cao đã được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde, kêu gọi nguồn tài trợ 4,3 tỷ USD để giúp đỡ trên 17 triệu người Yemen trong năm 2022. Bên cạnh vấn đề tài trợ, hội nghị được tổ chức cho thấy sự quan tâm và đồng cảm từ cộng đồng quốc tế đến quốc gia này, đặc biệt trong bối cảnh Yemen còn đang mất ổn định trật tự xã hội từ khi xảy ra các cuộc nội chiến vào năm 2014.
DINA EL-MAMOUN - Giám đốc Trung tâm Dân sự, Yemen: “Công bố của Liên Hợp Quốc vào ngày 15/3 đã cho thấy gần 3/4 dân số ở Yemen cần hỗ trợ nhân đạo. Nhưng vấn đề cần quan tâm là chúng tôi cần sự hỗ trợ này trong 1 khoảng thời gian được đảm bảo. Do đó chúng ta cần xem xét lại cách tiếp cận, và các lĩnh vực cần can thiệp.”
Vào năm 2021, thống kê cho thấy khoảng 2.500 người dân Yemen đã tử vong trong các cuộc xung đột, trong đó có khoảng 300.000 người phải đi tị nạn. Kể từ năm 2015, trên 4 triệu người dân nước này đã bị mất nhà cửa.
Cộng đồng lưu vực sông Amazon kêu gọi ngừng khai thác rừng trái phép
Thực trạng môi trường rừng nhiệt đới bị khai thác trái phép và tàn phá trong nhiều năm qua vẫn luôn là vấn đề nóng được quan tâm tại khu vực Nam Mỹ. Theo đó, các đại diện của cộng đồng người bản địa bao gồm từ Ecuador, Colombia và Brazil kiến nghị giới chức các quốc gia Nam Mỹ dừng những ngành công nghiệp khai thác gây hại cho rừng nhiệt đới, đồng thời bảo vệ các nhóm người dân bản địa đơn lẻ.
Ông MARLON VARGAS - Chủ tịch Tổ chức bản địa Ecuador Confeniae: “Chúng tôi rất lo lắng vì nhiều vùng lãnh thổ đang bị phá huỷ hàng loạt, nếu vấn nạn khai thác tài nguyên ở đây không được ngăn chặn kịp thời. Trong tương lai khu vực Amazon có thể trở thành sa mạc.”
Trong một thời gian dài, nhiều người dân bản địa sống quanh lưu vực sông Amazon đã phải đối mặt nhiều vấn đề môi trường như tràn dầu, phá rừng trái phép và ô nhiễm các dòng sông do khai thác bất hợp pháp, tất cả đều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống con người và động vật hoang dã.
Thiết kế thời trang từ vật liệu tái chế
Bà Filipina Lenora Buenviaje là một thợ may người Philippines. Ý tưởng của bà là sử dụng các vật liệu có thể tái chế như đồ nhựa, bao bì để thiết kế thành những trang phục đẹp với thông điệp bảo vệ môi trường từ việc tận dụng rác thải tái chế.
Bà LEONORA BUENVIAJE - Thợ may người Philippines: “Tôi thích sử dụng vật liệu tái chế vì chi phí không đắt, tất cả những gì bạn thực sự phải trả là lao động và sáng tạo. Sản phẩm tạo ra rất bền, nhiều màu sắc và điều quan trọng là tôi có thể đóng góp công sức để hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường.”
Các vật liệu tái chế được sử dụng cho mỗi chiếc váy sẽ tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng. Những chiếc váy được bán với giá từ $ 30 đến $ 50 và được sử dụng trong các buổi ra mắt, đám cưới và thậm chí trong các cuộc thi. Bà Buenviaje hy vọng có thể tự tổ chức các sự kiện thời trang để giới thiệu và truyền cảm hứng cho những người khác tạo ra quần áo từ vật liệu tái chế, nhằm lan toả và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng./.
Thực hiện : Đinh Phượng