Cụm tin quốc tế ngày 21/7: Kinh tế Ukraine gặp khó khăn vì xung đột

Kinh tế Ukraine gặp khó khăn vì xung đột; Nhật Bản: Số ca mắc mới Covid-19 tăng nhanh chóng; Trung Quốc ứng dụng công nghệ tối ưu hoạt động bán lẻ... là những nội dung trong cụm tin quốc tế ngày 21/7.

KINH TẾ UKRAINE GẶP KHÓ KHĂN VÌ XUNG ĐỘT

Chính phủ Ukraine dự định hoãn thanh toán nợ trái phiếu Châu Âu và các khoản lãi suất tương ứng trong 24 tháng, tính từ ngày 1/8.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đối mặt với sự sụt giảm ước tính 35-45% GDP trong năm nay do xung đột. Ukraine hiện còn tồn đọng một số khoản nợ trái phiếu châu Âu chưa được thanh toán, trị giá khoảng 19,5 tỉ USD và sẽ đáo hạn vào năm 2022, 2033 song đã lần lượt được gia hạn đến năm 2024 và 2035. Ukraine còn đang gánh khoản nợ nước ngoài kỷ lục gần 57 tỉ hryvnia (tương đương 1,93 tỉ USD) từ tháng 9/2021, trong khi thu ngân sách nhà nước chỉ đủ chi trả cho 1/3 nhu cầu tài chính của quốc gia.

NHẬT BẢN: SỐ CA MẮC MỚI COVID-19 TĂNG NHANH CHÓNG

Nhật Bản ngày hôm qua ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 vượt 150.000 ca. Đây là con số cao kỷ lục mới trong bối cảnh đợt dịch thứ 7 đang hoành hành tại nước này do sự lây lan của dòng phụ BA.5 biến thể Omicron. 

Chỉ riêng thủ đô Tokyo đã xác nhận 20.401 trường hợp nhiễm mới trong ngày, lần đầu tiên vượt con số 20.000 trường hợp kể từ đầu tháng 2. Trong số 47 tỉnh của Nhật Bản, 30 tỉnh đã báo cáo số ca nhiễm ở mức cao kỷ lục hàng ngày. Số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản đã duy trì ở mức tương đối thấp cho đến giữa tháng 6 vừa qua, trước khi bắt đầu tăng mạnh trong thời gian gần đây do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lan nhanh trên cả nước.

TRUNG QUỐC ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TỐI ƯU HOẠT ĐỘNG BÁN LẺ

 Mới đây, các chuỗi bán lẻ lớn ở Trung Quốc đã ứng dụng kĩ thuật số trong việc quản lý các chuỗi cung ứng sản phẩm và quản lý kho hàng. Điều này mang lại nhiều trải nghiệm tiện lợi cho cả đơn vị bán lẻ và khách hàng tiêu dùng.

Một cửa hàng bán lẻ đồ ăn vặt tại Thành Đô, Tứ Xuyên,Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ cao trong việc quản lý vật tư cung ứng và kho hàng thông qua ứng dụng di động. Trong đó, dữ liệu hiển thị trực tiếp cho phép người quản lý nắm được lượng hàng còn trong kho và nhu cầu tiêu thụ của khách hàng từ đó có thể nhập đúng và đủ hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. 

Việc ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động kinh doanh bán lẻ được kỳ vọng sẽ giúp tăng hiệu quả quản lý hậu cần trong các doanh nghiệp bán lẻ, đảm bảo trải nghiệm mua sắm tối ưu cho người tiêu dùng.