Điểm tin quốc tế tối 09/04: Bầu cử tổng thống Pháp kết quả khó đoán định

Khó đoán định kết quả bầu cử Tổng thống Pháp; Mỹ ban hành luật chấm dứt quan hệ thương mại với Nga; EU cam kết giúp Ukraine đẩy nhanh hơn tiến trình gia nhập khối; Thủ tướng Đức tuyên bố có thể chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga; tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn thị trường dầu thế giới; dịch Covid-19 tại Trung Quốc ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng là những tin tức quốc tế nổi bật.

Bầu cử Tổng thống Pháp kết quả khó đoán định

Hoạt động vận động tranh cử của tất cả các ứng cử viên tại vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đã chính thức dừng lại vào đêm ngày 8/4, theo giờ địa phương. Hiện tại,Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và đại diện phe cực hữu bà Marine Le Pen được coi là hai ứng cử viên sáng giá nhất.

Theo kết quả thăm dò mới nhất do Viện nghiên cứu và tư vấn truyền thông ELABE công bố, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (đảng “Cộng hoà Tiến bước”) sẽ giành được khoảng 26% số phiếu, chỉ hơn 2% đến 3% so với ứng cử viên đứng thứ 2 là nhân vật cực hữu bà Marine Le Pen (đảng “Tập hợp quốc gia”) và 8% so với người đứng thứ 3 là ứng cử viên cực tả ông Jean-Luc Melenchon (đảng “Nước Pháp buất khuất”). Ngoài ông Emmanuel Macron luôn ổn định ở vị trí dẫn đầu thì hai người còn lại đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong những tuần gần đây. Trong đó đặc biệt là bà Le Pen đã có sự bứt phá ngoạn mục, càng gần ngày bầu cử thì ứng cử viên này càng thu hẹp khoảng cách với ông Macron. Bà Le Pen cũng được dự báo là người có khả năng cao nhất sẽ bước vào vòng 2 để tạo ra một cuộc đua tranh căng thẳng với đương kim Tổng thống Pháp với kết quả khó đoán định. 

Ứng cử viên tổng thống Pháp MARINE LE PEN: Tất nhiên, tôi nghĩ không chỉ mình sẽ lọt vào vòng hai mà còn có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống này. Nhưng chính người dân Pháp mới là người quyết định và họ sẽ quyết định vào đêm Chủ nhật (10/4).

Các cuộc thăm dò cũng cho thấy khoảng 65% cử tri Pháp tuyên bố chắc chắn đi bầu cử, trong đó người ủng hộ ông Macron và bà Le Pen cũng chiếm tỷ lệ cao nhất. 

Ứng cử viên tổng thống Pháp FABIEN ROUSSEL: Vẫn còn khoảng 30% cử tri Pháp vẫn chưa quyết định và vì vậy cho đến cuối cùng chúng tôi phải theo đuổi họ và thuyết phục họ.”

Nhiều chuyên gia đã dự báo tỷ lệ bỏ phiếu trắng sẽ ở mức cao trong cuộc bầu cử diễn ra vào Chủ nhật bởi nhiều cử tri cho biết họ có kế hoạch bỏ phiếu trắng vì “không có gì là cụ thể” trong các cương lĩnh tranh cử của các ứng cử viên.

Ông LUDOVIC FAUCHAIRT, Người dân Pháp: "Lần này là lần đầu tiên tôi sẽ bỏ phiếu trắng vì chúng tôi không chắc chắn, chúng tôi không nhìn thấy bất cứ điều gì, không có gì là cụ thể, không có gì. Mọi người muốn điều gì đó cụ thể. Họ bỏ phiếu chỉ khi họ nhìn thấy thứ gì đó có thật trên bàn, không chỉ chứng kiến các ứng cử viên nói, "Tôi muốn trở thành tổng thống, tôi sẽ làm điều này hoặc điều kia," nhưng sau đó chúng tôi không có gì cả. "

Ông BRUNO CAUTRES, Nhà phân tích chính trị: "Chúng tôi thấy rõ ràng động lực của cử tri ít hơn một chút so với năm năm trước đây. Khả năng để tham gia, sự quan tâm đến chiến dịch thấp hơn một chút so với năm năm trước đây bởi vì cử tri Pháp đã kiệt sức sau sau phong trào biểu tình Áo Vàng, COVID 19, xung đột tại Ukraine. Nhiều người cảm thấy bối rối, họ không biết cuộc bầu cử có ý nghĩa như thế nào, cuộc bầu cử dường như đã nghiêng về ông Emmanuel Macron, rõ ràng đây là điều không thúc đẩy cử tri tham gia. Chúng tôi đang dự đoán số phiếu trắng nhiều hơn một chút so với năm năm trước, nhưng không phải là số phiếu trắng lớn."

Thực tế cho thấy cuộc bầu cử tổng thống lần này diễn ra vào thời điểm có nhiều yếu tố tác động rất lớn đến tâm lý của cử tri. Đó là sự mệt mỏi sau hơn hai năm trải qua dịch bệnh, xung đột ở Ukraine được đề cập hằng ngày và cả trong các chương trình tranh cử, hay lo lắng về giá hàng tiêu dùng tăng mạnh. Tiếp đó, sức hút của cuộc bầu cử giảm hẳn so với lần bầu cử trước vì không có tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên và có tới 7 trong tổng số 12 ứng cử viên đã từng ra tranh cử năm 2012 và 2017. Nhiều cử tri cho rằng cương lĩnh hành động của các ứng cử viên chủ yếu là các đề xuất để giải quyết các thách thức hiện nay và không có tầm nhìn dài hạn. Vòng một của cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2022 sẽ diễn ra vào ngày 10/4 và vòng 2 vào ngày 24/4.

Mỹ ban hành luật chấm dứt quan hệ thương mại với Nga

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga trong bối cảnh xung đột Ukraine vẫn tiếp diễn. Việc ký ban hành luật sẽ mở đường cho Mỹ tăng thuế nhập khẩu.

Động thái trên được đưa ra sau khi Mỹ, Nhật Bản và các nước khác trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng trước nhất trí thực hiện các bước để tiến tới tước quy chế "tối huệ quốc" của Nga. Trước đây, với quy chế này, Moskva được hưởng mức thuế thấp, cũng như các lợi ích khác khi là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các chuyên gia cho rằng thuế quan của Mỹ đối với các sản phẩm của Nga sẽ tăng từ 3% lên trung bình khoảng 30%.

EU cam kết giúp Ukraine đẩy nhanh hơn tiến trình gia nhập khối

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã đến thăm Ukraine và cam kết đẩy nhanh quy trình đưa nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU). 

Bà Ursula von der Leyen cho biết Ukraine đang bước thêm một bước quan trọng tiến tới gia nhập EU bằng việc hoàn thiện trả lời bộ câu hỏi phục vụ việc trở thành thành viên EU.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu URSULA VON DER LEYEN: Ukraine thuộc về gia đình châu Âu. Chúng tôi đã nghe rõ ràng yêu cầu của các bạn. Và hôm nay, chúng tôi ở đây để đưa ra câu trả lời tích cực đầu tiên cho bạn. Trong phong bì này, có một bước quan trọng để trở thành thành viên EU. Bản câu hỏi ở đây là cơ sở cho cuộc thảo luận của chúng ta trong những tuần tới. Đó là nơi bắt đầu con đường hướng tới Châu Âu của các bạn."

Bà Ursula von der Leyen khẳng định Liên minh châu Âu sẽ đẩy quy trình này lên nhanh nhất có thể song song với việc đảm bảo mọi tiêu chuẩn được đáp ứng. Về phần mình, ông Zelensky hoan nghênh chuyến thăm của các quan chức EU, cho rằng đây là tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ mà EU dành cho Ukraine.

Đức có thể chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga trong năm nay

Đức có thể chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga trong năm nay, đó là tuyên bố mà Thủ tướng nước này Olaf Scholz đưa ra. 
Hiện Đức đã tăng cường nỗ lực để giảm giao thương nhập khẩu năng lượng từ Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Thủ tướng Đức OLAF SCHOLZ: "Chúng tôi đang tích cực các nỗ lực để độc lập khỏi việc nhập khẩu dầu của Nga và chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có thể đạt được điều đó trong năm nay"

Đức muốn cắt giảm thị phần khí đốt của Nga xuống còn 24% vào mùa hè này. Nhưng có thể phải đến mùa hè năm 2024 nền kinh tế lớn nhất châu Âu mới có thể chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Một nghiên cứu rằng Đức có thể đảm bảo đủ nguồn cung cấp khí đốt cho mùa đông tới mà không cần nhập khẩu từ Nga thông qua sự kết hợp của các nhà cung cấp thay thế và các biện pháp tiết kiệm năng lượng quyết liệt.

Thị trường dầu mỏ thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn

Trong phiên giao dịch đêm qua trên sàn giao dịch hàng hóa Mỹ tại thành phố New York, dầu thô lại bất ngờ tăng giá sau khi có xu hướng giảm trong cả tuần qua.

Chốt phiên giao dịch ngày cuối tuần trên sàn hàng hóa New York, cả dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận mức tăng gần 2% giá trị. Trong đó, dầu WTI chốt phiên ở gần 98 USD/thùng, còn dầu Brent vươn lên hơn 102 USD/thùng. Mặc dù có mức tăng khá mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần này, nhưng về tổng thể, dầu thô đã có xu hướng giảm giá trong 2 tuần liên tiếp, sau khi các nước công bố kế hoạch xả kho dầu dự trữ chiến lược. Theo tính toán của các chuyên gia, trước khi chiến sự Nga và Ukraine diễn ra, Nga cung cấp khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương gần 12% nhu cầu tiêu thụ của thế giới. Kế hoạch xuất thêm 120 triệu thùng dầu của các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế chưa đủ để bù đắp lượng dầu thiếu hụt do các lệnh cấm vận đối với Nga. Nguồn cung dầu trong thời gian tới sẽ tiếp tục căng thẳng khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác quyết định chỉ tăng nhẹ sản lượng từ tháng 5 tới.

Lệnh phong tỏa chống Covid -19 tại Trung Quốc gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu 

Trung Quốc vốn là quốc gia dẫn đầu thế giới về giá trị xuất khẩu, nhưng lệnh phong tỏa tại đây, đặc biệt ở Thượng Hải nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19, không chỉ đe dọa đến nguồn cung trong nước, mà còn làm trầm trọng thêm chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã đình trệ trong hai năm qua.

Hàng loạt lệnh phong tỏa ở Thượng Hải - dẫn đầu cả nước về tổng lượng giao dịch thương mại trong năm 2021 - và các thành phố khác đã gây khó khăn cho vận tải và hậu cần tại Trung Quốc, làm tăng thêm sức ép lên các cam kết của chính phủ với chính sách “Zero Covid-19”. Lệnh phong tỏa đã làm gián đoạn ngành vận tải đường bộ nói riêng, lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa trong nước, cũng như đến các cảng biển để xuất khẩu. Từ việc vận tải nội địa Trung Quốc bị gián đoạn, chi phí hàng hóa sản phẩm cuối đến tay người tiêu dùng sẽ gia tăng, trong bối cảnh giá cả toàn cầu vốn đang chịu áp lực từ cuộc xung đột Ukraine.

Ông CUI DONGSHU, Tổng thư ký Liên đoàn Vận tải hành khách Trung Quốc: "Thượng Hải, nơi các công ty như Tập đoàn Công nghiệp Ô tô Thượng Hải và Tesla đặt cơ sở sản xuất, chiếm một phần lớn các hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, tương đương khoảng 11% tổng sản lượng của cả nước. Điều này mang lại những bất ổn cho sản xuất và hoạt động của các doanh nghiệp khác."

Các nhà phân tích cảnh báo rằng việc tắc nghẽn hậu cần trong nước sẽ kéo theo việc vận tải đường biển bị chậm trễ do lượng hàng hóa tích tụ. Chi phí lưu kho và nhiều phí liên quan sẽ khiến giá hàng hóa tăng lên khi các lệnh hạn chế được nới lỏng. 

Ông WANG DAN, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Hang Seng: "Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay đối với các công ty nước ngoài là thiếu tài xế xe tải vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Cảng Thượng Hải. Thời gian trì hoãn thường kéo dài khoảng hai tuần, và đối với một số công ty, họ cảm thấy cần phải đóng cửa một số của các dây chuyền sản xuất. Nhưng chúng ta cần phải rõ rằng điều này không chỉ do dịch COVID19, ngay cả trước giai đoạn ngừng hoạt động hiện tại, một số nhà máy đã quyết định đóng cửa ít nhất một phần dây chuyền sản xuất của họ để đối phó với sự gia tăng giá cả hàng hóa."

Các công ty hậu cần đang chuyển sang cảng Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang) gần đó hoặc thậm chí là cảng Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông) xa hơn trong nỗ lực ngăn chặn sự hỗn loạn chuỗi cung ứng xung quanh Thượng Hải. Tuy vậy, người tiêu dùng trên toàn thế giới sẽ sớm cảm nhận được tác động của cơn ác mộng này.

Phi hành đoàn tư nhân đầu tiên lên trạm vũ trụ quốc tế

Tập đoàn công nghệ khai phá không gian Space X đã thực hiện chuyến bay đặc biệt đưa phi hành đoàn tư nhân đầu tiên lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Cả 4 thành viên của phi hành đoàn đều là dân thường, đến từ một công ty hàng không vũ trụ thương mại có tên Axiom Space. 

Tên lửa Falcon 9 của Space X đã đưa tàu Crew Dragon rời bệ phóng ở Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ), mang theo 4 thành viên của công ty khởi nghiệp Axiom Space. Phi hành đoàn sẽ thực hiện một số công việc trong nhiệm vụ như tiến hành 25 thí nghiệm khoa học và sẽ nghiên cứu các chủ đề khác như lão hóa, tế bào gốc, sức khỏe tim mạch. Đây là chuyến bay đánh dấu lần đầu tiên một phi hành đoàn tư nhân đến thăm ISS. Sự hợp tác giữa Space X và Axiom Space đã được NASA đề cao, coi đây là một bước quan trọng trong mục tiêu thương mại hóa vùng không gian được gọi là "Quỹ đạo Trái Đất thấp," qua đó thúc đẩy những nỗ lực tham vọng hơn để tiến sâu hơn vào vũ trụ. Giá vé cho chuyến du hành kéo dài 8 ngày này là 55 triệu USD/người./.

Vân Hương