Cụm tin quốc tế tối 26/6: Thượng đỉnh G7 đối mặt với bão khủng hoảng toàn cầu

Những nội dung quốc tế đáng chú ý tối 26/6: Thượng đỉnh G7 đối mặt với bão khủng hoảng toàn cầu; Nga sắp cung cấp tên lửa đạn đạo Iskander-M cho Belarus; Triển vọng phục hồi thỏa thuận hạt nhân Iran; Tổng thống Mỹ ký ban hành luật kiểm soát súng đạn; WHO chưa coi đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu; Thông điệp bình đẳng giới từ cuộc thi hoa hậu chuyển giới.

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7 ĐỐI MẶT VỚI KHỦNG HOẢNG TOÀN CẦU

Hôm nay 26/6, nguyên thủ nhóm G7 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Canada) cùng các quốc gia khách mời bắt đầu cuộc họp Thượng đỉnh kéo dài trong 3 ngày tại miền Nam nước Đức. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với các cuộc khủng hoảng lớn trên mọi lĩnh vực, từ địa chính trị đến kinh tế, năng lượng, môi trường.

Một trong những chủ đề trọng tâm được bàn thảo trước tiên là về xung đột tại Ukraine. Tất cả các quốc gia G7 hiện đều đang áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và dự kiến tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này, các nguyên thủ G7 sẽ tiếp tục thảo luận các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung với Nga.

Một vấn đề lớn khác sẽ được G7 thảo luận là về khủng hoảng kinh tế, khi lạm phát tăng cao tại Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu, do giá năng lượng tăng, đồng thời Châu Âu đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng do quan hệ đổ vỡ với Nga. Khủng hoảng lương thực toàn cầu đe doạ gây ra nạn đói tại Châu Phi cũng sẽ là một ưu tiên thảo luận của các nước G7.

Ngoài các chủ đề lớn trên, vấn đề môi trường cũng sẽ quay trở lại trong các phiên họp của lãnh đạo G7. Sức ép phải có các chính sách quyết liệt về môi trường đang ngày càng lớn với nhiều nước G7, trong đó có nước Đức chủ nhà, khi tuần qua Đức đã phải cho hoạt động lại các nhà máy điện than nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng, bất chấp các cam kết về việc từ bỏ hoàn toàn than đá đã đưa ra trước đó.

NGA SẮP CHUYỂN TÊN LỬA MANG ĐẦU ĐẠN HẠT NHÂN CHO BELARUS

Nga sẽ chuyển cho Belarus các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong những tháng tới.

Tuyên bố được Tổng thống Putin đưa ra trong cuộc gặp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, trong đó nhấn mạnh Nga sẽ chuyển cho Belarus các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander M với các phiên bản mang đầu đạn thông thường và phiên bản có thể mang đầu đạn hạt nhân. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận nhiều vấn đề trong đó có tình hình Ukraine.
Belarus cũng là mục tiêu của các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nước này bị phương Tây cáo buộc hỗ trợ Moscow trong chiến dịch này.

THỎA THUẬN HẠT NHÂN IRAN CÓ TRIỂN VỌNG KHÔI PHỤC

Sau 3 tháng đình trệ, cuối cùng Mỹ và Iran đã đồng ý nối lại đàm phán trong những ngày tới. Đây là kết quả chuyến đi tới Tehran của đại diện EU, nằm trong các nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Trong 2 ngày tới thăm Iran (24-25/6), với những cuộc họp kéo dài nhiều giờ đồng hồ, Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh Châu Âu – ông Josep Borrell đã thuyết phục thành công Mỹ và Iran trở lại tiến trình đàm phán hạt nhân. Điều cần làm hiện tại là các bên cần phải vượt qua những khó khăn về mặt chính trị để đạt được kết quả cuối cùng.

Ông JOSEP BORRELL, Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại EU: “Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ bắt đầu lại các cuộc thảo luận đã dừng trong ba tháng qua. Mỹ và Iran sẽ trở lại đàm phán gián tiếp với sự hỗ trợ của tôi và nhóm của tôi với tư cách là điều phối viên. Đây là một tin tốt và chúng ta hãy hy vọng rằng điều này sẽ đưa thỏa thuận hạt nhận trở lại đúng hướng”.

Ông HOSSEIN AMIRABDOLLAHIAN, Ngoại trưởng Iran: “Chúng tôi tái khẳng định rằng đã chuẩn bị sẵn sàng để nối lại các cuộc đàm phán trong những ngày tới. Chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong đàm phán. Chúng tôi hy vọng cụ thể rằng Mỹ lần này sẽ đưa ra những quyết định phù hợp, để đạt được một thỏa thuận và thực hiện nó một cách có trách nhiệm”.

Về phía Mỹ, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từ trước đến nay không có gì thay đổi, rằng thỏa thuận hạt nhân 2015 là cách tốt nhất để ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân. 

Cộng đồng quốc tế đang kỳ vọng lần này các bên có đi đến một thỏa thuận, đặc biệt trong bối cảnh Iran có thể xuất khẩu dầu ra thế giới, giúp hạ nhiệt phần nào giá dầu đang leo dốc hiện nay

LUẬT KIỂM SOÁT SÚNG ĐẠN Ở MỸ VÌ CỘNG ĐỒNG AN TOÀN HƠN

Sự kiện đáng chú ý trong tuần qua là việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật kiểm soát súng đạn, một vấn đề gây chia rẽ trong chính giới và xã hội nước này. Ngay lập tức sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức ký ban hành đạo luật được đánh giá là quy định về vũ khí quan trọng nhất trong gần 30 năm qua tại nước này.

Đạo luật "Vì cộng đồng an toàn hơn" về kiểm soát súng đạn vừa được thông qua phê duyệt gói 11 tỉ USD tài trợ cho vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 tỉ USD cho các chương trình đảm bảo an toàn học đường, các chương trình can thiệp khủng hoảng và khuyến khích các bang đưa hồ sơ vị thành niên vào Hệ thống Kiểm tra lý lịch hình sự quốc gia. Đạo luật cũng đưa ra những thay đổi đáng kể về quy định mua súng đối với các đối tượng ở độ tuổi từ 18 đến 21 cũng như cấp kinh phí để khuyến khích các bang thực hiện luật “cờ đỏ”, tước quyền sở hữu súng của những người được coi là mối đe dọa.

Bà NANCY PELOSI, Chủ tịch Hạ viện Mỹ: “Đạo luật này bao gồm các bước tiến mạnh mẽ để cứu mạng mọi người, không chỉ khỏi các vụ xả súng hàng loạt kinh hoàng mà còn khỏi các vụ tấn công hằng ngày của tội phạm bạo lực súng đạn, hành vi tự sát hay sự cố thương tâm”. 

Số lượng súng khổng lồ và việc người dân có thể dễ dàng sở hữu là nguyên nhân chính khiến Mỹ phải chứng kiến các vụ xả súng và trong nhiều thập niên qua sống chung với “văn hóa súng đạn”. Mỹ chiếm khoảng 4,4% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu 42% số súng trên thế giới. Súng ở Mỹ rất dễ dàng tiếp cận, ngay cả với những người có nguy cơ cao. 

Theo giới phân tích, đạo luật là một nỗ lực mang tính liên bang mới quan trọng nhất nhằm giải quyết nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ, đất nước đang đối mặt với bạo lực súng đạn tràn lan, các vụ xả súng kinh hoàng, tự tử bằng vũ khí nóng cướp đi nhiều sinh mạng mỗi năm.

SỰ THỎA HIỆP CẦN THIẾT

Sự kiện lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật quan trọng này được đánh giá là thắng lợi chính trị của chính quyền Tổng thống Joe Biden, đặc biệt trong bối cảnh năm nay nước Mỹ tiến hành bầu cử quốc hội giữa kỳ. 

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Những vụ xả súng diễn ra thường xuyên, khắp nơi, khiến nhiều người thậm chí còn không quan tâm tới con số người thiệt mạng. Nhưng chúng tôi vẫn nghe thấy thông điệp từ các vụ việc này, rằng hãy làm điều gì đó. “Hãy làm điều gì đó”, bạn nghe thấy thông điệp này bao nhiêu lần trong suốt những năm qua? Hôm nay, chúng tôi đã làm được rồi”.

Ông CHRIS MURPHY, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ: “Chúng ta đã làm được, để những người cha, người mẹ và những đứa trẻ trên khắp đất nước này có thể thức dậy vào ngày mai với sự tự tin, rằng những người đang điều hành đất nước này thực sự quan tâm đến sự an toàn của họ”.

Việc Quốc hội Mỹ có được sự đồng thuận với đạo luật vì cộng đồng an toàn hơn là sự thỏa hiệp cần thiết, vì sự an toàn của người dân, là một trong những bước đi ý nghĩa nhất trong 30 năm qua mà cơ quan lập pháp Mỹ thực thi nhằm giảm tình trạng bạo lực súng đạn tại nước này.

WHO: ĐẬU MÙA KHỈ KHÔNG PHẢI ĐẠI DỊCH TOÀN CẦU

Tổ chức Y tế thế giới vừa có thông cáo về việc đánh giá bệnh đậu mùa khỉ không phải dịch bệnh có khả năng lây lan toàn cầu sau khi ghi nhận nhiều ca nhiễm trên hơn 50 quốc gia.

Trong phiên họp khẩn cấp ngày hôm nay, WHO đã đưa ra kết luận bệnh đậu mùa khỉ không có khả năng lây lan thành dịch bệnh toàn cầu, song cần sớm được kiểm soát nhằm kìm hãm đà lây lan của dịch bệnh và cần phải được đánh giá lại trong thời gian tới nhằm đảm bảo an toàn dịch tễ toàn cầu. Đậu mùa khỉ có nguồn gốc là bệnh đặc hữu tại khu vực Trung và Tây Phi, song gần đây đã lây lan ra nhiều khu vực khác, làm dấy lên lo ngại về một dịch bệnh lây lan toàn cầu, đặc biệt khi thế giới vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch COVID-19.

THÔNG ĐIỆP BÌNH ĐẲNG GIỚI TỪ CUỘC THI HOA HẬU CHUYỂN GIỚI 

Chung kết cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2022 - Miss International Queen vừa diễn ra tại Thái Lan với chiến thắng thuộc về người đẹp Philippines, Fuschia Anne Ravena. Diễn ra từ nhiều năm qua, cuộc thi được coi là tiếng nói mạnh mẽ đề cao bình đẳng giới trong xã hội hiện nay.

Fuschia Anne Ravena năm nay 27 tuổi, đến từ thành phố Cebu, Philippines. Người đẹp mất 5 năm để chuyển giới, sau khi được một người bạn thân truyền cảm hứng. 

Cô FUSCHIA ANNE RAVENA, Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2022: “Tôi muốn kêu gọi mọi người lan tỏa tình yêu thương, hoa bình và sự đoàn kết để tạo nên sự bình đẳng. Đây là điều quan trọng nhất mà chúng ta cần làm trong thời điểm hiện tại”.

Cuộc thi bị tạm dừng hai năm vì đại dịch COVID-19 đã tiếp tục được tổ chức tại thị trấn ven biển Pattaya của Thái Lan để tôn vinh bình đẳng giới. Trong đêm chung kết, không những mang đến những màn trình diễn đặc sắc, các thí sinh còn gửi đến nhiều thông điệp về sự hợp nhất và bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ+.

Bà ALISA PHANTHUSAK, Chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế: “Khi cùng nhau truyền tải thông điệp để mọi người người hiểu về bình đẳng giới thì chúng ta sẽ chiến thắng. Chúng ta hãy cố gắng để xã hội có thêm sự thấu hiểu, để các nước chấp nhận những người có giới tính thứ 3, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà trên toàn cầu.”

Cô SAI FHON, Hoa hậu chuyển giới Campuchia: “Tôi tham dự cuộc thi không chỉ vì mong muốn giành vương miện, mà còn vì tất cả những người chuyển giới ở đất nước tôi và trên thế giới, tôi muốn nâng cao tiếng nói và vị thế của người chuyển giới, những người mà phần lớn cho đến giờ vẫn bị xã hội kì thị.”

Cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế quy tụ những người chuyển giới trên khắp thế giới được phát động cách đây hơn một thập kỷ, nhằm giúp những người chuyển giới nữ được xã hội chấp nhận.

Hồng Nhung