• 1717 lượt xem
  • 06:14 16/04/2022
  • Kinh tế

Tiêu điểm: Nghị quyết 42 - Cánh cửa giúp xử lý nợ xấu hiệu quả

Nợ xấu của nền kinh tế là vấn đề không thể chủ quan. 5 năm qua, ngành ngân hàng đã xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Nhờ có Nghị quyết này, tính đến cuối năm 2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được hơn 1,3 triệu tỷ đồng nợ xấu. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt của nền kinh tế, việc gia hạn Nghị quyết 42 là rất cần thiết.

Về kết quả xử lý nợ xấu, từ năm 2017, khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, tỉ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%, tức là trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực. 

Trước khi có Nghị quyết số 42, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng tự trả nợ còn chưa cao. Với nhiều giải pháp mang tính đột phá của Nghị quyết 42, các ngân hàng đã "dễ thở" hơn trong việc xử lý nợ xấu, bức tranh nợ xấu của các ngân hàng cũng có thêm một vài gam màu tươi sáng hơn. 

Kể từ khi được ban hành, Nghị quyết 42 đã trở thành một công cụ pháp lý quan trọng giúp ngân hàng phá tan “cục máu đông” nợ xấu, đưa dòng vốn luân chuyển vào nền kinh tế. Với tầm quan trọng như vậy,  Chính phủ đã đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết thêm 2 năm, tức là đến 15/8/2024. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ chốt thời điểm kéo dài đến hết năm 2023. Đồng thời Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, cùng với việc kéo dài thời hạn xử lý nợ xấu, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần thực hiện những giải pháp đồng bộ khác để có thể bảo đảm an ninh tài chính.

NỢ XẤU... VẪN CÒN XẤU

Nếu 380,2 nghìn tỷ đồng là số nợ xấu đã xử lý được, thì 412 nghìn tỷ đồng là số nợ xấu chưa được xử lý theo Nghị quyết 42. Con số này vẫn được đánh giá là khá cao.  Và đánh giá một cách thận trọng, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho công ty quản lý nợ và tài sản của các tổ chức tín dụng và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu cũng ở mức cao là 7,42%. Các chuyên gia nhấn mạnh, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng gia tăng là điều đã được dự báo từ trước nhưng không thể chủ quan. Vì vậy để đảm bảo an toàn hệ thống,  tổ chức tín dụng cần thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cụ thể nhằm bổ sung vốn trong để có nguồn lực xử lý rủi ro nợ xấu.”

PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia Kinh tế: "7,42% là con số lớn trong nhiều năm gần đây, thế nhưng với 2020 và 2021 thì rõ ràng nợ xấu tăng lên nhanh chóng, kể cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho VAMC. Thế nên phải chú tâm xử lý nợ xấu, cũng như quá trình kiểm tra giám sát đối với các ngân hàng thương mại là cần thiết để đảm bảo an toàn hệ thống tài chính tín dụng cũng như an toàn trong hoạt động nói chung của nền kinh tế. ”

Báo cáo tài chính các ngân hàng cho thấy, hầu hết các tổ chức tín dụng đều tăng khả năng bao phủ nợ xấu bằng cách tăng dự phòng trong năm 2021, đây là một chiến lược thận trọng khi xét đến tác động của đại dịch đối với chất lượng tài sản. Đều khẳng định tác dụng tích cực của Nghị quyết 42, song nhiều ý kiến cho rằng cần hoàn thiện hơn chính sách xử lý nợ xấu, bởi nợ xấu đang có xu hướng gia tăng và sẽ luôn song hành với nền kinh tế chứ không chỉ với hoạt động ngân hàng.

Bà NGUYỄN THỊ PHƯỢNG, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank: “Với Agribank, hiện nay các vụ kiện dân sự rất lớn, khoảng 7.000 vụ nhưng việc xử lý rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh Covid -19. Đây cũng là rào cản cho các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu”.

Nhiều ý kiến đánh giá, việc UBTVQH đồng ý gia hạn Nghị quyết 42 đến hết năm 2023 là rất cần thiết. Nhất là trong bối cảnh vẫn còn nhiều vướng mắc, mà điển hình là sự vào cuộc, phối kết hợp của các cơ quan chức năng cùng với địa phương vẫn chưa kịp thời.  

Bà NGUYỄN THỊ MAI SƯƠNG, Trưởng ban Pháp luật và Nghiệp vụ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Hiệp hội Ngân hàng cũng như một số ngân hàng đánh giá vướng mắc còn ở chỗ ý thức thực hiện của các bộ, ngành và phối hợp giữa các bộ, ngành".

Tại phiên họp thứ 10 của UBTVQH,  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, khi kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42 cần chú ý đến các giải pháp, hoàn thiện các hướng dẫn về thực hiện nghị quyết để bảo đảm đầy đủ, thống nhất. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cả Trung ương và địa phương, gắn trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức cụ thể trong việc thực hiện nghị quyết.

Khẳng định không thể có luật mới tiếp theo về xử lý nợ xấu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ Nghị quyết 42 chính là luật về xử lý nợ xấu của Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến việc phát hành trái phiếu DN năm 2021 lên đến hơn 700.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 44% ở lĩnh vực bất động sản. Vậy trong bối cảnh mới, nợ xấu có nguy cơ “phình to”, thì cần làm gì để giải quyết “cục máu đông” của nền kinh tế? 

Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn nhanh với đại diện Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) - ông ĐOÀN VĂN THẮNG, TGĐ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi!

Anh Đức