Xung đột Nga - Ukraine 26/4: Nga nêu điều kiện tiếp tục đàm phán với Ukraine

Nga nêu điều kiện tiếp tục đàm phán với Ukraine; Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thúc đẩy chấm dứt xung đột Nga - Ukraine; EU đặt mục tiêu chấm dứt phụ thuộc năng lượng của Nga vào năm 2027 ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý liên quan tới tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 26/4/2022.

NGA NÊU ĐIỀU KIỆN TIẾP TỤC ĐÀM PHÁN VỚI UKRAINE

Xung đột Nga – Ukraine dù đã bước sang tháng thứ 3, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trả lời truyền thông nhà nước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov  cho biết, xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc với một thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, nội dung của thỏa thuận này sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tiễn.  

Phái đoàn Nga và Ukraine gặp mặt trực tiếp lần cuối cùng tại Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 3. Sau đó, Nga dựa trên dự thảo hòa bình của Ukraine để xây dựng một thỏa thuận và gửi đến Kiev. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, phản hồi của Ukraine lại bao gồm “những ý tưởng hoàn toàn khác biệt, một bước lùi lớn”. Việc Ukraine quay lưng với những tiến bộ đạt được ở Istanbul dường như có sự thúc đẩy của Mỹ và Anh, thậm chí cả Ba Lan và các nước Baltic”.

Ông Lavrov cho biết, các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành ở Ukraine vẫn không thay đổi, đó là phá hủy các cơ sở hạ tầng quân sự ở Ukraine có thể đe dọa Nga, với “các biện pháp nghiêm ngặt nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại cho dân thường". Dự đoán về việc kết thúc xung đột, ông Lavrov cho biết, mọi thứ sẽ kết thúc với một hiệp ước. 

Ngoại trưởng Nga SERGEI LAVROV: "Như trong bất kỳ tình huống nào có sự tham gia của các lực lượng vũ trang, mọi thứ sẽ kết thúc bằng một hiệp ước. Nhưng điều khoản của hiệp ước sẽ được xác định theo giai đoạn thực tế của xung đột”. 

Cùng ngày, được hỏi về khả năng tổ chức một cuộc gặp trực tiếp giữa phái đoàn Nga và Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko ngày 25/4 cho biết hiện chưa phải thời điểm thích hợp.

TỔNG THƯ KÝ LIÊN HỢP QUỐC THÚC ĐẨY CHẤM DỨT XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 25/4 đã có cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại thủ đô Ankara. Trong ngày hôm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, và Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về vấn đề Ukraine. 

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đóng vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Lý do là vì nước này có chung biên giới trên biển với Ukraine và Nga tại Biển Đen, đồng thời có mối quan hệ chặt chẽ với cả hai nước.

Theo phát ngôn viên Liên Hợp Quốc, sau chuyến thăm Moscow, Tổng Thư ký Antonio Guterres sẽ đến Kiev gặp các quan chức Ukraine. Không chỉ bàn bảo các nội dung nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine mà Liên Hợp Quốc còn mong muốn mở rộng viện trợ nhân đạo cho người Ukraine.

EU ĐẶT MỤC TIÊU CHẤM DỨT PHỤ THUỘC NĂNG LƯỢNG CỦA NGA VÀO NĂM 2027

Nga hiện vẫn là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Âu. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu cân nhắc lại về sự phụ thuộc dầu mỏ và khí đốt vào Nga. Theo đó, EU đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc dầu mỏ và khí đốt của Nga vào cuối năm 2027.

Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Âu. Tính riêng trong năm 2020, Nga cung cấp 26% dầu mỏ nhập khẩu và đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu lục này. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng Hai vừa qua, một số quốc gia EU đã có động thái mạnh mẽ hơn nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt lên kinh tế Nga, bao gồm lĩnh vực năng lượng. Mới đây nhất, Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu giảm 2/3 sự phụ thuộc dầu mỏ và khí đốt của Nga vào cuối năm nay và tiến tới chấm dứt hoàn toàn vào cuối năm 2027.

Nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tháng Ba đã ký sắc lệnh quy định tất cả các hợp đồng cung cấp khí đốt với các công ty đăng ký hoạt động tại các quốc gia "không thân thiện" chỉ được thanh toán bằng đồng ruble bắt đầu từ ngày 1/4. Yêu cầu của Nga khiến các khách hàng châu Âu rơi vào tình thế khó xử, khiến các đối tác đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hồi đầu tháng Tư cho biết tổ chức này sẽ đưa ra kế hoạch nhằm giảm dần sự phụ thuộc của EU vào khí đốt, dầu và than của Nga vào trung tuần tháng Năm.

Bùi Thảo