Cước vận tải, giá hàng hóa hạ nhiệt nhẹ khi giá xăng dầu giảm

Giá nhiên liệu giảm 5 lần liên tiếp giúp chi phí đầu vào của một số ngành bớt áp lực. Cước vận tải, hàng hóa đã giảm nhẹ nhưng còn cao. Ngoài ra, trong sản xuất hàng hoá vẫn có độ trễ nhất định mới có thể kéo giảm theo giá xăng dầu.

Ghi nhận tại các bến xe lớn trên địa bàn TPHCM, một số đơn vị vận tải đã giảm 10% giá vé nhưng còn nhiều doanh nghiệp vận tải “im lặng” khi giá xăng giảm.

Ông LÊ TRUNG TÍNH, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM:Khi mà giá xăng dầu tăng hoặc giảm thì giá cước vận tải sẽ tăng hay giảm theo tương ứng tuy nhiên nó cần có một độ trễ nhất định, đỗ trễ đó thường từ 10 đến 20 ngày tùy theo loại hình vận tải cũng như tùy theo tuyến.”

Ông NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP, Công ty TNHH Vận tải Ba Châu: “Thời điểm giá dầu lên 30.000/ lít trong khi đó doanh nghiệp tôi vẫn chịu lỗ không tăng giá được. Sau này giá dầu xuống 23.000/ lít thì không thể nào tôi sụt được tại vì tôi không đủ chi phí.”

Đối với các mặt hàng nông sản có xu hướng hạ nhiệt do chi phí vận chuyển giảm.

Ông NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG, PGĐ Bộ phận Kinh doanh Công ty Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức: “Cái giá không còn tăng giống như trước đây nhưng đây cũng là giảm nhẹ xuống theo mức chi phí. Giá vận chuyển giảm nên thương nhân họ cũng giảm theo giá cước vận chuyển đó.”

Đối với mặt hàng gia súc, giá thịt heo giảm đáng kể so với đầu tháng 7/2022 để bình ổn thị trường. Các doanh nghiệp này chờ đợi đợt điều chỉnh giá  kì tiếp theo.

Ông NGUYỄN ĐĂNG PHÚ, Phó Tổng Giám đốc VISSAN: “Trên cơ sở những chính sách hợp lý, đúng đắn của Chính phủ, các doanh nghiệp sẽ giảm giá thành ngay từ đầu vô để như những doanh nghiệp tham gia bình ổn là những doanh nghiệp điều tiết giảm chi phí đưa ra thị trường giá hợp lý nhất.”

Thời gian tới, Sở Công thương sẽ cùng các doanh nghiệp bình ổn tiếp tục ổn định giá thông qua các hệ thống phân phối siêu thị.

Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM: “Chúng tôi cũng có các giải pháp liên quan đến việc khuyến khích các hệ thống phân phối, động viên các hệ thống phân phối giữ nguyên triết khấu ở mức hợp lý, không có tăng để giúp cho doanh nghiệp sản xuất. Phối hợp với NHNN chi nhánh TPHCM tính toán các giải pháp kết nối nguồn vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất.”

Trước biến động thất thường về giá nhiên liệu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ đạo điều hành bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ và tăng giá bất hợp lý. 

Phạm Quyền