• 1052 lượt xem
  • 17:59 18/01/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: Lời nguyện cầu Chernobyl

Gần 40 năm trôi qua sau “sự cố Chernobyl”- thảm hoạ công nghệ khủng khiếp nhất thế kỷ XX, là nỗi ám ảnh của mỗi người dân Belarus được tái hiện lại chân thực và sống động trong “Lời nguyện cầu Chernobyl” của nữ nhà văn Svetlana Alexievich, để giúp ta có thể suy nghĩ về quá khứ cũng như trân trọng những giá trị tươi đẹp của cuộc sống hôm nay.

Có những quá khứ được nhắc lại trong nụ cười, có những quá khứ con người ta muốn quên đi và cũng có những quá khứ là bài học giá trị cho cả hiện tại và tương lai. Năm 1986, “sự cố Chernobyl”- trận nổ bom hạt nhân tại nhà máy hạt nhân Chernobyl đã trở thành thảm hoạ công nghệ khủng khiếp nhất thế kỷ XX, là nỗi ám ảnh của mỗi người dân Belarus.

Gần 40 năm trôi qua nhưng sự kiện này vẫn được được nhắc, được kể lại qua nhiều phương tiện, phương thức khác nhau và “ Lời nguyện cầu Chernobyl” của nữ nhà văn Svetlana Alexievich đã tái hiện rất chân thực và sống động về câu chuyện lịch sử này. Một quyển sách đáng đọc để giúp ta có thể suy nghĩ về quá khứ cũng như  trân trọng những giá trị tươi đẹp của cuộc sống hôm nay…

Tôi không biết phải kể gì...Về cái chết hay về tình yêu? Hoặc cả hai cũng chỉ là một mà thôi...Về điều gì nhỉ?...” cuốn sách được bắt đầu bằng câu chuyện của một người phụ nữ có chồng đi tham gia cứu hỏa trong trận nổ bom hạt nhân lịch sử. Người chồng ấy ra đi với mong muốn sẽ cùng đồng đội cố gắng dập được đám cháy và cứu những người vô tội sống sót. Nhưng cái giá phải trả cho lòng quả cảm đó là một cơ thể bị ăn mòn đi từng tế bào, là cái chết dân dần trong sự đau đớn khi anh mắc căn bệnh nguy hiểm do nhiễm phóng xạ...“ Những vết bỏng rộp xuất hiện…Trong miệng, trên lưỡi, trên má- lúc đầu có những vết loét nhỏ, rồi chúng lớn dần. Niêm mạc bong ra từng lớp màng mỏng trắng hếu. Sắc mặt…màu da…tái xanh…đỏ ửng…xám ngoét..” 

Nếu hiện thực đầy sống động về những tàn dư sau cuộc chiến trên cơ thể người đàn ông ấy khiến độc giả run rẩy trong sự ám ảnh, thì tình yêu vô bờ bến của người phụ nữ dành cho người chồng của mình trong câu chuyện này lại khiến người đọc thấy tim mình rung động và là những tia sáng tưới tắm cho hiện thực đau lòng…“ Tôi yêu anh! Tôi còn chưa rõ mình yêu anh đến mức nào! Chúng tôi vừa mới cưới…Còn chưa kịp đem niềm vui cho nhau..”, “Tôi muốn tự tay làm lấy mọi việc cho anh. Nếu sức khoẻ cho phép, tôi sẽ ở bên anh suốt 24h. Tôi tiếc từng giây, từng phút một”…

Tình yêu mang đến cho con người những điều khó có thể tưởng tượng, hiện lên trên những trang giấy là quá trình diễn biến và chứng thực một thứ tình cảm vượt lên trên tất cả, bất chấp tất cả, kể cả những hiểm nguy vô hình đang rình rập lây nhiễm sang cơ thể người phụ nữ ấy. Và rồi đứa con- sợi dây gắn kết thiêng liêng nhất của cô và anh cũng rời bỏ cô sau 4 tiếng chào đời vì gan bị nhiễm 28 roentgen cùng bệnh tim bẩm sinh trong sự dằn vặt của người sinh ra bé, đây cũng chính là một minh chứng cho sự khốc liệt đã phủ lên rất nhiều cuộc đời người dân Belarus ngày đó.

“ Lời nguyện cầu từ Chernobyl” được NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành lần đầu vào năm 2016 do dịch giả Nguyễn Bích Lan chuyển ngữ. Năm 2020, được tái bản với bản dịch đầy đủ và chuẩn xác hơn trong sự kết hợp giữa dịch giả Nguyễn Bích Lan và Phạm Ngọc Thạch khi bổ sung thêm chương quan trọng, đó là tác giả tự phỏng vấn bản thân và phần “ Thay cho lời kết”. Sự đầy đủ này đã cho độc giả càng hiểu rõ hơn về chính tác giả, về những lý do và mục đích khiến bà ghi lại tất cả những gì được chứng kiến, được cảm nhận. 

Quyển sách này không viết về thảm hoạ Chernobyl, mà về thế giới xung quanh Chernobyl...Tôi chỉ viết ra những gì được gọi là lịch sử bị bỏ quên, những dấu vết bị thất lạc về sự tồn tại của chúng ta trên mặt đất và trong thời gian...”

Là một nhà văn nhưng cũng là một nhà báo nên những trang viết của  Svetlana Alexievich hiện lên sự  sắc sảo và nhạy cảm. Gần 20 năm kiên trì và thầm lặng thực hiện những cuộc phỏng vấn với 500 nhân chứng có liên quan tới thảm họa nhân loại tàn khốc. Sự quan sát kỹ lưỡng của nữ nhà văn Svetlana Alexievich đã cho thấy những tàn dư khốc liệt của quá khứ đến thiên nhiên, lên con người, cây cỏ muôn thú, để rồi thế giới quan cũng dần thay đổi trong bà 

Tôi nhìn thế giới xung quanh bằng cái nhìn khác..Con kiến tí hon bò trên mặt đất, giờ đây nó gần gũi với tôi hơn. Con chim bay trên trời, cũng gần hơn. Khoảng cách giữa tôi và chúng thu hẹp lại. Không có vực thẳm ngăn cách như trước kia. Tất cả đều là cuộc sống” .

Với 3 chương- cuốn sách là một chuỗi những lời độc thoại của các nhân vật. Thay vì chỉ chọn một câu chuyện và những tình tiết xoay quanh nhân vật chính, nhiều nhân vật đã kể những câu chuyện của mình. Hệt như một vở nhạc kịch có nhiều phân cảnh. Các nhân vật cứ lần lượt bước ra và cất lên tiếng nói…những số phận người cùng vẽ nên bức tranh mà trong đó đầy rẫy những bí mật, những khoảng tối, những góc khuất có thể sẽ nằm im vĩnh viễn… Đây chính là nét đặc sắc và gây ấn tượng với độc giả khi đến với cuốn truyện này. Mối liên hệ giữa hiện thực và văn chương trở nên rõ ràng hơn trong tác phẩm của Svetlana.

Năm 2015, những người quan tâm đến văn chương đã chứng kiến giải thưởng Nobel Văn học danh giá lần đầu tiên được trao cho một nhà văn người Belarus: Svetlana Alexievich. Viện Hàn lâm Thụy Điển nhận định rằng: “Svetlana Alexievich được trao giải vì những trang viết đa dạng về giọng điệu, một biểu tượng mẫu mực về sức chịu đựng và lòng can đảm trong thời đại của chúng ta. Cùng tạo nên giải thưởng đó chính là “Lời nguyện cầu Chernobyl” – một tác phẩm tiêu biểu cho thể loại phi-hư cấu song lại giàu sức lay động không thua kém một sáng tác văn chương có giá trị . Nếu để nhìn lại lịch sử, chúng ta hãy tìm lại những bài báo đã từng viết về Belarus những năm tháng đó, còn nếu muốn thấu hiểu về những gì đã từng hiện diện, muốn được ngắm nhìn tình yêu thương, lòng nhân đạo và trắc ẩn, cũng như sức mạnh của ý chí, nghị lực của con người thì “ Lời nguyện cầu Chernobyl” sẽ mang đến cho bạn những điều ý nghĩa đó.