Cuốn sách tôi chọn: Với ngày như lá tháng như mây

Quê hương vẫn luôn là mảng đề tài phong phú và hấp dẫn, là nguồn cảm hứng bất tận đối với các nhà văn, nhà thơ trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình. Đối với nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận, Sài Gòn chính là một nguồn cảm hứng xuyên suốt những áng văn của ông, là mảng đề tài mà ông luôn đau đáu, lưu giữ trong tầng sâu ký ức của mình.

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có một miền ký ức nào đó tựa như một khoảng trời bình yên để ta tìm về trú ngụ giữa những chông chênh, mệt mỏi của cuộc sống. Đối với tác giả Phạm Công Luận, anh đã dành gần như cả cuộc đời mình để viết, để kể, để tái hiện lại mảnh đất mà anh yêu thương -  Sài Gòn. Với 30 câu chuyện trong tập tản văn”Với ngày như lá tháng như mây”, người đọc bắt gặp những câu chuyện rất đời, rất dung dị mà bình yên về một Sài Gòn cách đây hơn 50 năm... 

Những câu chuyện cách đây hàng chục năm nhưng vẫn hiện lên thật rõ nét, sống động trong tâm trí của Phạm Công Luận và giờ đây là trên những trang sách này. Là một người con sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, có thể nói những ký ức tuổi thơ của Phạm Công Luận được chính mảnh đất này ôm ấp, dung dưỡng mà lớn khôn. Qua từng trang sách, người đọc như được bước chân vào thế giới quá khứ của một Sài Gòn với những ngày hè tươi đẹp, với thú vui trẻ nhỏ, và thức quà vặt đơn sơ,... Tưởng là câu chuyện của riêng Phạm Công Luận nhưng những người con xa Sài Gòn lại dễ dàng bắt gặp mình trong đó. Đó là khi những hồi ức riêng tư của cá nhân tác giả, hòa lẫn vào hồi ức chung của một thành phố, là khi lời tự sự từ trái tim của người con Sài Gòn cùng góp lời trong tự sự của thành phố này. 

Có học giả đã gọi Phạm Công Luận là người lưu giữ những ký ức phố thị, bởi qua những câu chuyện nhỏ về sinh hoạt đời sống của Sài Gòn xưa, ta có thể thấy một bức tranh toàn cảnh của thành phố được gọi là ”hòn ngọc viễn Đông” trong lịch sử. Chính tác giả Phạm Công Luận đã từng chia sẻ “Khi viết về quá khứ, tôi nhận ra mình là ai, những gì đã tác động đến mình để trở thành một con người đủ cả những điều hay và dở, những điều mạnh mẽ lẫn yếu đuối trong tính cách không dứt bỏ được. Tôi hiểu rõ hơn vì sao mình yêu tha thiết một thành phố dù nó dần dần không còn giống nơi chốn mình yêu thương..... và vì sao, luôn cố gắng truyền cho con một điều gì đó của quá khứ, dù các con thật ra đang sống để hình thành một quá khứ cho tương lai của các con. Đó là mật mã để gắn kết các thế hệ, mà nhiều khi ta mong muốn truyền đi như một thứ bản năng có sẵn”. Như một cuốn album hoài niệm bằng chữ và hình ảnh, khơi gợi lại niềm hoài nhớ của một cộng đồng không nhỏ những người gắn bó với thành phố, góp phần lưu giữ những ký ức đang dần mai một và giúp các độc giả mai sau lần tìm về quá khứ….  Những câu chuyện gần gũi mà như tiếng chuông ngân, vang reo mãi trong niềm hoài nhớ, nhẹ tênh và xanh mướt đeo đẳng ta mãi một cách êm dịu đến tận sau này....