• 5605 lượt xem
  • 19:06 13/02/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: Bố mẹ, con và trường học

Trong chuyên mục Cuốn sách tôi chọn hôm hay, chúng tôi xin giới thiệu cùng khán giả cuốn “Bố mẹ, con và trường học” của Tiến sĩ Ken Robinson. Ông là một tác giả, diễn giả và tư vấn giáo dục nổi tiếng, đã được Hoàng gia Vương quốc Anh phong tước Sir - Hiệp sĩ. Ông viết sách về việc khơi dậy sự sáng tạo và thường xuyên có những bài phát biểu thú vị, sâu sắc về vấn đề tạo nên một hệ thống giáo dục.

Cuốn sách đến với độc giả Việt Nam thông qua phần dịch thuật của các dịch giả Nhữ An Lâm Đức, Nguyễn Chí Hiếu và Nguyễn Thu Thảo. Từng vấn đề trong quan điểm giáo dục hiện đại được diễn giải mạch lạc, bắt đầu từ một thực tế hiển nhiên: “Trẻ em ngày nay thường có cuộc sống bận rộn, và “bị lên lịch” quá tải. Nhiều em phải chịu áp lực lớn từ trường học và gia đình. Cuộc sống của chúng ngày càng bị quản lý và “bị lên khung” /  “Trẻ em rất ham học hỏi. Chúng không phải lúc nào cũng thích “bị giáo dục”… Theo đó, tác giả đưa ra cái nhìn đầy chia sẻ: “Nghề” làm cha mẹ của chúng ta là tạo ra một môi trường để con cái có thể mạnh mẽ và sống trọn vẹn nhất có thể. Con trẻ chỉ có thể “mã đáo thành công” khi chúng ta giúp con trở nên tự lập. Bạn cần phải rõ ràng về vai trò của mình, phải hiểu con bạn là ai (ở góc độ cá nhân mỗi đứa) / “Giáo dục chỉ thật sự có ích cho con bạn khi chúng muốn học và tự giác học”. 

Bên cạnh việc đưa ra những số liệu được đúc rút từ các nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Ken Robinson cũng ví von một số hình ảnh có tính hài hước, khiến câu chuyện trở nên gần gũi hơn: “Các bậc cha mẹ có thể đang “bị tích cực” quá đà, dẫn đến phản tác dụng. Cha mẹ chăm chút con quá kỹ, đặc biệt có những người rơi vào chế độ “máy bay trực thăng”, lúc nào cũng bay vù vù trên đầu con, và mỗi khi có việc gì khó mới chớm là họ lao ngay xuống để giải cứu cho con…”. Tuy nhiên, việc họ làm như vậy chẳng mấy có ích, thậm chí còn ảnh hưởng không tốt đến con cái, đến giáo viên hoặc chính bản thân họ. Trẻ em sẽ trở nên quá dựa dẫm vào cha mẹ và không thể tự bảo vệ bản thân”. 

Có thể nói, cuốn sách “Bố mẹ, con và trường học” mang đến cho độc giả những góc nhìn khá là toàn diện: “Hãy hiểu rằng vai trò của bạn không phải là thay con xác định đam mê. Bạn là người tạo điều kiện để con có thể nhận thấy tài năng và sở thích của chúng” / “Thông qua quá trình vui chơi chung, trẻ em sẽ học được tính kiên cường và khả năng quản lý những căng thẳng, bất ổn của cuộc sống khi chúng bước vào tuổi trưởng thành”.

Sau những dẫn giải, lập luận có tính khoa học, tác giả nêu lên sự qui nạp tương đối khách quan: “Sự thật là có rất nhiều con đường để thành nhân. Cuộc sống của hầu hết chúng ta không hề tuân theo một lộ trình tiêu chuẩn nào cả. Nhiều khi chúng ta đi theo những con đường chẳng ngờ tới, khám phá những sở thích mới, hoặc nắm lấy những cơ hội chợt đến…Hãy đừng giới hạn tương lai của con bạn chỉ bởi vì bạn cho rằng cách mà bạn được giáo dục trước đây chắc chắn sẽ phù hợp với con trẻ bây giờ! Khi thế giới tiếp tục thay đổi, điều bạn nghĩ có thể sẽ không còn đúng nữa… Điều tốt nhất bạn nên làm là giúp con phát triển theo những cách khác nhau, và giúp chúng xác định tài năng, sở thích cá nhân. Con trẻ sẽ kiến tạo và sống cuộc sống của chính mình, cũng như bạn đã làm cho bản thân vậy. Bởi cho dù bạn có quan tâm và cố gắng giúp con đến đâu đi nữa, bạn cũng không thể làm điều đó thay con!./.

Hồng Dũng