The Feminine Mystique” hay có tên tiếng Việt là “Bí ấn nữ tính” được mệnh danh là cuốn cẩm nang của phụ nữ trong thế kỉ 20. Thông qua loạt câu chuyện của những người phụ nữ Mỹ những năm 1950-1960, tác giả Betty Friedan giúp độc giả trả lời câu hỏi “Nữ tính là gì?”, “Nữ tính được định nghĩa thế nào?" và chỉ ra rằng, nữ tính là điều mà bản thân mỗi người phụ nữ tự cảm nhận và hành động.
Dưới đây là chia sẻ của Tiến sĩ Tâm lý học Khuất Thu Hồng về cuốn sách “Bí ẩn nữ tính” do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành nhân dịp Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3:
Tiến sĩ Tâm lý học Khuất Thu Hồng: Bí ẩn nữ tính của Betty Friedan nó bằng tuổi tôi, khi bà viết cuốn sách này thì tôi sắp ra đời. Cuốn sách này đã làm mưa làm gió trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ trong giai đoạn nó vừa xuất bản và cho đến bây giờ thì nó vẫn có giá trị thời sự rất là lớn. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 đến nước Mỹ đã lao vào công cuộc gọi là tái thiết kinh tế, vào những năm 50 đến 60 thì thấy tỷ lệ những người trung lưu ở Mỹ gia tăng rất nhanh chóng và rất nhiều gia đình có thể sống cuộc đời khá đầy đủ về vật chất, lúc đó người ta coi một gia đình hạnh phúc là ông chồng thì kiếm tiền và ở nhà là một người vợ phục vụ, chờ đợi và sinh ra những đứa trẻ, chăm chút cho đứa trẻ đấy làm sao lớn lên mạnh khỏe, hạnh phúc. Và cái hình ảnh đó, cái định nghĩa về người phụ nữ gọi là đầy đủ, hoàn thiện, hoàn hảo đó thì đã được các phương tiện ca ngợi.
Betty Friedan là một trong những phụ nữ như vậy bà cũng từng tốt nghiệp đại học ngành tâm lý học, và đã từ bỏ công việc của mình để chăm chút gia đình và ba đứa con, nhưng một thời gian thì bà cảm thấy không viên mãn như là những gì người ta nói về người phụ nữ viên mãn của nước Mỹ. Đôi khi bà cảm thấy trống rỗng, và bà cảm thấy rất nhiều phụ nữ giống như mình. Nhưng không ai dám chia sẻ với nhau và mỗi người phụ nữ trong những hoàn cảnh đấy đều nghĩ rằng đây là vấn đề tại mình. Và khi mà Betty Friedan quyết định tìm hiểu vấn đề đó thì bà nhận thấy rằng hóa ra tất cả phụ nữ đang bị cái gọi là huyễn tưởng nữ tính, trống rỗng hay là cái trầm cảm hay là những vấn đề về tâm lý của phụ nữ đã trải qua, không phải đến từ bản thân họ theo cái nghĩa là họ bị bệnh hay là họ thiếu phương tiện để sinh hoạt hay họ thiếu các dụng cụ để làm bếp và vấn đề ở đây là họ thấy mình biến mất hoặc không là ai cả họ chỉ là người mẹ, người vợ, người nội trợ.
Cuốn sách này làm thay đổi rất nhiều người, Betty Friedan có thể coi là người châm ngòi, người thổi bùng cái làn sóng nữ quyền lần thứ hai, khi mà phụ nữ thấy cần phải trở lại làm việc, phải được làm công việc mà mình yêu thích và những công việc họ làm thì họ đòi được hưởng giống như nam giới, bình đẳng với nam giới. Và khi cuốn sách ra đời đã khiến cho rất nhiều phụ nữ Mỹ rút ra khỏi nhà, bước ra khỏi vai trò đơn thuần chỉ làm vợ, làm mẹ mà họ đã đi làm, theo đuổi sự nghiệp của mình và cuốn sách này đã khiến cho một đạo luật của Mỹ được ban hành, đạo luật trả lương công bằng cho cùng một loại công việc đối với phụ nữ và nam giới. Cuốn sách này được dịch ra nhiều thứ tiếng và nó giống như là cuốn giáo trình kinh điển khi những nhà nghiên cứu, những nhà giảng dạy nghiên cứu vấn đề của phụ nữ luôn nhắc đến, đó là cuốn sách không thể thiếu được. Rất là vui quyển sách này đã được dịch ra tiếng Việt và đã được công bố tới công chúng của Việt Nam và tôi rất mong muốn, tất cả phụ nữ Việt Nam nếu có điều kiện thì hãy đọc nó./.