• 1008 lượt xem
  • 14:33 25/08/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: “Cây vĩ cầm cuồng nộ” - "Âm nhạc có thể không tạo ra nghệ sĩ nhưng ra người biết giá trị bản thân"

Trong cuộc sống, năng lực cá nhân, môi trường phát triển của mỗi con người là hoàn toàn khác nhau. Việc đưa ra những quyết định quan trọng cho cuộc đời của mỗi đứa trẻ khi trưởng thành phụ thuộc vào chính những suy nghĩ, cảm nhận, đam mê và quyết tâm của chúng.

Cha mẹ là người đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị cho con những điều kiện để hình thành nên nhân cách đúng đắn, chứ không phải là người quyết định cuộc sống thay cho những đứa trẻ. “Cây vĩ cầm cuồng nộ” một cuốn sách được viết nên bởi 2 tác giả Joanne Lipmam và Melanie Kupchynsky với tất cả những yêu thương, đã toát lên triết lý ấy. Tại Việt Nam, cuốn sách do NXB Dân trí và Alphabook ấn hành. Trong chương trình cuốn sách tôi chọn hôm nay, chúng ta hãy cùng dịch giả Phạm Linh tìm hiểu nhiều hơn về cuốn sách ý nghĩa này.

Dịch giả PHẠM LINH: "Cuốn sách “Cây vĩ cầm cuồng nộ” của hai tác giả Joanne Lipmam và Melanie Kupchynsky là cuốn sách đầu tiên mà tôi thực hiện chuyển ngữ sang tiếng Việt. Lý do mà tôi thực hiện dịch cuốn sách này, xuất phát từ một lý do cá nhân, tôi có hai con gái theo học violon và piano chuyên nghiệp. Tại thời điểm đó thì tôi cảm thấy rất hoang mang, không biết việc các con theo học bộ môn nghệ thuật này có những rủi ro gì? hoặc nó có phải là một nghề nghiệp ổn định hay không? Trong khi với năng lực của các con thì các con hoàn toàn có thể theo đuổi những ngành nghề khác ổn định hơn. Chính vì vậy tôi quyết định có những sự tìm tòi, tìm kiếm các sách báo để nghiên cứu về lĩnh vực âm nhạc. Trên quá trình tìm kiếm đó thì tôi tìm thấy cuốn “Cây vĩ cầm cuồng nộ” này và sau khi trải nghiệm cuốn sách,  tôi cảm thấy nó thực sự là một cuốn sách rất cần thiết đối với các bậc phụ huynh cũng như là các học sinh học nhạc. Và không chỉ học nhạc không mà nó còn về tình thầy trò, tình cha con và nó có thể là một cuốn sách rất cần thiết đối với tất cả mọi người.

Thực ra cũng rất khó để nói rằng đâu là trích đoạn hay nhất bởi vì cuốn sách là một chuỗi những câu chuyện và cuộc đời của các nhân vật. Tuy nhiên thứ để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng độc giả cũng như là cá nhân tôi khi lần đầu tiên tôi đọc cuốn sách này đó là cuộc đời của thầy K. Có thể nói là với con mắt của người thông thường thì thầy thực sự là một người bất hạnh. Tuy nhiên bất chấp những đau thương mà thầy phải gánh chịu thì thầy vẫn là một người thầy vô cùng tâm huyết với học sinh. Thầy chính là người đã dẫn dắt những trẻ em ở một vùng quê nghèo xây dựng nên được những dàn nhạc, đưa hết thế hệ học sinh này đến học sinh khác bằng âm nhạc mà thầy truyền tải, đến cuối cùng những người học sinh đó trở thành những người nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc là những người làm trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề khác nhưng âm nhạc vẫn là thứ mà đồng hành cùng với họ.

Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi cảm thấy mình có cảm giác an tâm hơn rất nhiều bởi vì tôi đã hiểu hơn về giá trị mà âm nhạc tạo ra. Đằng sau âm nhạc đó là những quá trình rèn luyện, học tập và nó rèn luyện nên những tính cách của con người ra sao? Và âm nhạc có thể không tạo ra người nghệ sĩ nhưng nó sẽ tạo ra được những con người biết được cái giá trị của bản thân mình. Xuyên suốt toàn bộ cuốn sách thì điều to lớn nhất mà hai tác giả muốn đề cập đó là chính âm nhạc là thứ mang đến nguồn hạnh phúc cho con người, ngay khi mà họ có những niềm vui trong cuộc sống, hay kể cả khi họ phải trải qua những nỗi đau cùng cực nhất thì âm nhạc luôn là thứ đồng hành và có thể xoa dịu những nỗi đau cho họ."

Nhật Thảo