• 1262 lượt xem
  • 21:01 09/08/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: “Chinh chiến và từ bỏ: Nghiên cứu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đời Minh”

Dựa trên cơ sở luận án tiến sĩ và những kết quả nghiên cứu hậu tiến sĩ của mình, tác giả Trịnh Vĩnh Thường đã chỉnh lý và viết nên cuốn: “Chinh chiến và từ bỏ: Nghiên cứu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đời Minh”. Đây là cuốn sách chuyên luận lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành, dịch giả Nguyễn Phúc An dịch và khảo chú.

Cuốn sách ghi lại một cách toàn diện, khách quan về quan hệ giữa hai quốc gia trong gần 200 năm từ đời Minh Hồng Vũ tới đời Minh Gia Tĩnh. Chuyên mục Cuốn sách tôi chọn ngày hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị cùng tìm hiểu thêm về cuốn sách qua phần chia sẻ của dịch giả Nguyễn Như Huy ngay sau đây.

"Đây là toàn bộ đặc khảo của một học giả Trịnh Vĩnh Thường với những tư liệu mới nhất và với cách nghiên cứu khách quan. Nhà nghiên cứu giỏi, biết cách đọc, lọc thông tin và so sánh. Đây không phải là cuốn sách viết chơi mà là một công trình nghiên cứu khoa học nên có những tiêu chuẩn chân xác nhất, nhưng đồng thời cũng có cắt nghĩa riêng như nhận xét về Mạc Đăng Dung, Hồ Quý Ly. Cái nhận xét không phải một cách tư biện mà từ những tư liệu gốc của Việt Nam và Trung Hoa mới giải minh.

Ngay trong cuốn sách ta đã thấy là thời Hồ Quý Ly là thời nhiều cải cách. Chính sử Trung Quốc đánh giá rất cao Hồ Quý Ly ở tính cương cường, tính phản kháng. Nhưng bài học của Hồ Quý Ly cũng chỉ là một trong những bài học khác. Ta lấy ví dụ, trong cuộc kháng chiến của Lê Lợi thì không hẳn bài học chiến tranh nhiều hơn bài học ngoại giao. Nếu ta đã đọc thư của Nguyễn Trãi, thì ta thấy Nguyễn Trãi không chỉ viết thư theo nghĩa đấu tranh mà rất nhiều lá theo nghĩa khuyên bảo. Thậm chí, trong 1 lá thư, trên là dọa dẫm, dưới là khuyên bảo, ngay cả khi thắng rồi thì Việt Nam cũng đúc người vàng trả cho Trung Quốc. 

Ở một góc độ nào đó, những người yêu nước, cương cường thì họ thấy đó là chuyện rất buồn cười vì mình thắng họ rồi nhưng không phải đâu. Ở đây là các mục đích khác nhau. Tôi nghĩ mục đích lớn nhất, tôi nghĩ đấy là ý tưởng của Nguyễn Trãi, đó là việc không phải là chiến tranh mà là làm thế nào để có sự độc lập mà vẫn có sự cương cường, không gây ra nạn binh đao. 

Ở đây ta cũng có bài học thứ 3, có thể gây rất nhiều tranh cãi, đó là bài học của Mạc Đăng Dung. Tuy nhiên tôi nghĩ bài học của Mạc Đăng Dung khác bài học của Hồ Quý Ly, ở chỗ cùng ở tình huống đó, cùng lật ngôi, cùng nước nhỏ như vậy nhưng Mạc Đăng Dung đã có giải pháp thông minh khôn khéo là trói tay quy hàng lên tận cửa ải. Ta hiểu là ông lùi tất cả nhưng không chịu nhường đất.

Nó vừa là một công trình nghiên cứu khoa học nhưng vừa là một cuốn sách để chúng ta có thể đọc và có cảm xúc văn chương nữa. Tôi đang nói cảm xúc văn chương không phải lãng mạn mà là tri thức về mặt văn chương để chúng ta hiểu lịch sử. Mỗi người sẽ có câu chuyện của mình, diễn giải của mình khi đọc nó và khi suy nghĩ về chính hiện tại của mình.

Thùy Vân