• 2301 lượt xem
  • 16:16 20/05/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: Đọc "Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn" để khám phá thêm nhiều điều thú vị

Trên đất nước của chúng ta, có những địa danh dẫu không phải là quê hương bản quán, mà vẫn được nhiều người nhớ thương lưu luyến, như là một nơi chốn thân thương. Có thể nói đó là Hà Nội và TPHCM - hai thành phố rộng lớn nhất theo nhiều nghĩa, nơi hội tụ những yếu tố tinh hoa, nơi dang tay đón nhận và nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão cho biết bao người.

Cùng tìm hiểu về cuốn tản văn “Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn” qua chia sẻ của nhà báo Vĩnh Quyên - nguyên Phó Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam, một người con của quê hương Hà Nội. 

Khi đọc xong cuốn sách “Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn”, tôi cảm giác rất ngọt ngào; ngọt ngào trong một nỗi nhớ, một nỗi thương. Đây là nỗi nhớ của những người Hà Nội đi xa, hoặc là nhớ về những ký ức thời tuổi nhỏ, vì vậy nó là những cái quá khứ rất là đẹp. 

Có thể nhớ từ những kỷ niệm rất nhỏ, từng góc đường, từng quán cà phê vỉa hè, hoặc là một tiếng rao. Hà Nội có rất nhiều gánh hàng hoa, và các xe đi rong ở trên phố. Và cái thú chơi hoa, thích hoa tươi, cắm hoa tươi theo mùa - một cái thú chơi rất là đặc trưng của người Hà Nội.

Buổi sáng khi mua được một bó hoa sen gọi hạ của Đầm Trị, Tây Hồ mang về cắm, và ngắm thì cảm giác một ngày mới đến rất là thanh tao, và nó mang một cái năng lượng tích cực cho mình.

Còn thương Sài Gòn thì tôi nghĩ là cái từ “thương” của người Sài Gòn nó hay lắm. Nó là thương yêu, vì người Sài Gòn không nói là “Anh yêu em”, mà hay nói rằng “Anh thương em”. Quãng đường làm báo mình cũng đi vào Sài Gòn nhiều, nhưng vì chưa ở Sài Gòn nhiều đến mức để mà mình cảm giác rằng khi xa Sài Gòn mình nhớ và mình thương. Vậy mà khi đọc lại những bài của các tác giả trong này, thì mình mới thấy rằng cái kỷ niệm những lần mình đi Sài Gòn nó bất chợt hiện về, và một cảm giác đúng thực sự nó là thương mến rất nhiều. 

(Cuốn tản văn) Có nhiều cái phát hiện rất là thú vị. Chẳng hạn như trước giờ tôi vẫn nghĩ rằng Sài Gòn không có mùa đông. “Anh ở trong này không có mùa đông”/“Hãy gửi cho em một chút nắng vàng”. Thế nhưng mà khi đọc bài viết “Sài Gòn khoảng lặng” của chị Nguyễn Thị Hậu, một nhà khảo cổ học rất là nổi tiếng thì tôi biết thêm một khía cạnh khác của Sài Gòn. Sài Gòn cũng có những khoảnh khắc mùa đông, cũng có những thời điểm giao mùa, rụng lá như Hà Nội. Chỉ có điều, những khoảnh khắc ấy đến rất khẽ, phải là những người rất tinh tế, những người rất yêu Sài Gòn mới cảm nhận ra.

Nếu mà nói màu sắc chủ đạo của Hà Nội, thì nhà văn Uông Triều đã phát hiện ra đấy là sắc vàng: sắc vàng của những mái ngói, nó sẫm dần cùng với thời gian, cùng với những cây bàng lá đỏ, những cây mùa thay lá, tạo nên một cái sắc vàng mênh mông của Hà Nội, và thực sự đó là những khám phá rất thú vị. Tôi nghĩ rằng mình cũng đã am hiểu Hà Nội, nhưng hóa ra vẫn còn rất nhiều điều mà mình chưa biết. 

Khi đọc cuốn “Nhớ Hà Nội, thương Sài Gòn” thì tôi thấy có một điều thú vị nữa là có rất nhiều các nhà văn, các cây viết thuộc nhiều thế hệ. Mỗi người một nỗi nhớ, dù là nỗi nhớ là nỗi nhớ giống nhau, nhưng sắc thái, kỷ niệm thì khác nhau, cho nên khi đọc thấy nhiều, đa dạng các cây bút, thì cũng sẽ thấy một điều rất là thú vị.
 

Thiện Đoan