• 8918 lượt xem
  • 15:54 21/05/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: Đọc "Rễ người" để hiểu thêm về văn hoá người Mông

Đoàn Hữu Nam là một cái tên quen thuộc với độc giả qua nhiều trang tiểu thuyết và trường ca về vùng biên viễn. Sinh ra tại Hà Nam, Đoàn Hữu Nam ngược lên Tây Bắc, gắn bó với Lào Cai như một cơ duyên trời định. Chính tình yêu, cơ duyên đặc biệt ấy của Đoàn Hữu Nam đã đem lại nhiều hoa thơm trái ngọt cho văn chương của anh mà “Rễ người” là một trong số đó.

Nhà văn PHẠM THANH KHƯƠNG:

“Rễ người” là câu chuyện kể về 1 người đàn ông vô tình trong quá trình phòng vệ chính đáng đã làm chết người. Và anh ta sợ tù đày, sợ bị trả thù, đặc biệt là do văn hoá phong tục của họ Lý báo thù nên anh ta phải trốn vào rừng. Khi trốn vào rừng, anh ta phải đối diện với chính mình, đối mặt với cuộc sống tồn tại hay không tồn tại. Trong quá trình đó, anh ta phải đối mặt với nỗi nhớ, đối mặt với tình yêu, đối mặt với cả phong tục tập quán, đối mặt với tất cả những gì anh ta đã trải qua và đã có. Và đó là quá trình thể hiện mình để tồn tại nhưng thực chất đó là tồn tại chứ không phải sống.

Qua cuốn sách này bạn đọc hiểu hơn về các phong tục như Lễ Gàu Tào, Lễ dựng cây nêu, Lễ đặt tên... .. đó là phong tục tập quán và nguồn gốc của người Mông... những cái văn hóa phi vật thể đấy không chỉ là gia đình, vợ con, anh em, bạn bè mà chính những văn hóa phi vật thể ấy nó là cái rễ để nuôi con người ta, nuôi tâm hồn con người ta làm người một cách chân chính nhất, tốt nhất, đẹp nhất, sống vì nhau nhất. Mỗi con người tốt lên thì cuộc sống này sẽ bình yên, mỗi con người tử tế lên một chút thì cuộc đời sẽ bình yên và mỗi con người yêu nhau nhiều hơn và thương nhau nhiều hơn thì cuộc sống cũng sẽ bình yên. Ở đây, cuốn tiểu thuyết muốn gửi gắm ẩn đằng sau là chỉ có tình yêu mới hoá giải được hận thù. Cuốn sách đạt được cái đỉnh ấy và là nguyên do để cuốn tiểu thuyết này đạt giải A.

Người Mông có một câu, nếu như người Mông muốn, sợi lanh có thể buộc được lên trời. Nói như thế để biết rằng ý chí của dân tộc Mông như thế nào. Mà người Mông nguyên là người dân tộc làm lúa nước, để tồn tại được trên một vùng đất mới khắc nghiệt nơi đỉnh cao, nói như thế để thấy bản lĩnh của người Mông như thế nào và có lẽ anh Nam cũng bị thuyết phục cái tính cách, phong cách, sự cần mẫn và chịu thương, chịu khó và ý chí của người Mông để thuyết phục anh Nam viết một cuốn tiểu thuyết mà nó đậm chất văn hoá của người Mông. Nói về người Mông nhưng cũng là đưa đến cho bạn đọc chân dung của một dân tộc anh em trong 54 dân tộc anh em để chúng ta thấy tự hào về một dân tộc anh em tay bầu tay bí, chúng ta yêu thương nhau. 

Tôi là một người mà gắn bó với dân tộc Mông rất lâu, 40 năm quân ngũ là 40 năm sống cùng với dân tộc Mông, nên hiểu được những gì nhà văn Đoàn Hữu Nam muốn gửi gắm vào trong tác phẩm này. Tôi hy vọng là nếu bạn đọc tiếp xúc với nó, bạn đọc không chỉ đọc một phận người, một kiếp người mà còn đọc được cả một văn hoá của một  dân tộc mà nhà văn Đoàn Hữu Nam đã gửi gắm trong đó. 

Thiện Đoan