Cuốn sách tôi chọn: "Dòng Nile đỏ" - Tiểu sử của dòng sông vĩ đại nhất thế giới

Chuyên mục “Cuốn sách tôi chọn” hôm nay giới thiệu tới quý vị và các bạn một ấn phẩm của tác giả Robert Twigger “Red Nile: Tiểu sử của dòng sông vĩ đại nhất thế giới” – cuốn sách được ví von như một tấm thảm quý được thêu lên từ tất cả tri thức và huyền thoại về sông Nile.

Nhắc đến Ai Cập hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những kim tự tháp, tác phẩm kiến trúc cổ đại hùng vĩ, hay những câu chuyện đầy bí ẩn về các Pharaoh, Nữ hoàng Cleopatra… Nhưng có lẽ nhiều người đang dần lãng quên về  dòng sông Nile cùng vai trò của nó trong xây dựng và hình thành nên nền văn minh Ai Cập cổ đại. Dòng sông Nile – nơi được mệnh danh là con sông mẹ của lục địa đen Châu Phi đã cùng người dân nơi đây trải qua bao thăng trầm lịch sử, chứng kiến những xoay vần của thời cuộc, là nhân chứng sống của bao cuộc binh biến, khi thịnh vượng cũng như lúc suy tàn của các triều đại cổ xưa.

Chuyên mục “Cuốn sách tôi chọn” hôm nay muốn giới thiệu tới quý vị và các bạn một ấn phẩm của tác giả Robert Twigger “Red Nile: Tiểu sử của dòng sông vĩ đại nhất thế giới” – cuốn sách được ví von như một tấm thảm quý được thêu lên từ tất cả tri thức và huyền thoại về sông Nile. Hãy cùng lắng nghe dịch giả Lê Đình Chi, người luôn có niềm say mê đặc biệt với khám phá lịch sử thế giới loài người chia sẻ về cuốn sách này.

Dịch giả LÊ ĐÌNH CHI

Red Nile hay dịch ra tiếng Việt là “Dòng Nile đỏ” là một quyển sách mà tác giả đã tự gọi là tiểu sử của một dòng sông không những lớn nhất mà còn nổi tiếng nhất trong lịch sử loài người. Nội dung của cuốn sách này có thể tóm lược lại là câu chuyện về dòng sông Nile cũng như con người sống trên dòng sông Nile, cũng như mối tương tác giữa dòng sông và con người, đồng thời con người lại tương tác lại dòng sông trong suốt quá trình lịch sử như thế nào.... Nói đến sông Nile thì chúng ta chỉ biết đến Ai Cập, biết đến nữ hoàng Cleopattra thôi, thế nhưng đó chỉ là một phần của sông Nile. Sông Nile thực sự dài hơn rất nhiều và nó có những câu chuyện khác nữa mà có lẽ trước khi đọc Red Nile - Dòng Nile đỏ này thì chúng ta cũng sẽ khó có dịp biết được…. Người ta thấy một bức tranh rõ ràng về mặt xã hội học, về mặt tiến trình văn minh, một Châu Phi tiến với hai tốc độ chênh lệch nhau. Ở trên cùng một dòng sông nhưng ở cuối nguồn thì là cái ngôi đầu tiên của văn minh nhân loại, gần như là nơi hình thành nhà nước đầu tiên; nhưng ở trên thượng nguồn thì bây giờ vẫn còn những bộ tộc gần như độc lập, mặc dù vùng sinh sống của họ nằm trên lãnh thổ của một quốc gia nào đó nhưng họ vẫn quan tâm đến bộ tộc, đến gia tộc của họ nhiều hơn là đến đất nước.

Tác giả Robert Twigger có thể nói là một người đã sống rất lâu năm tại Ai Cập, ông rất gắn bó với Ai Cập. Vào năm 2011 khi mà cuộc cách mạng lật đổ chế độ tổng thống Munbaraq diễn ra thì gia đình ông đã phải sơ tán ra khỏi Ai Cập. Chính câu chuyện về quá trình sơ tán của gia đình khỏi Ai Cập cũng là những dòng cuối cùng của ông trong cuốn sách này, ông đã tường thật lại ở cuối quyển sách. Nhưng không lâu sau đấy ông ấy lại quay trở lại, lại tiếp tục cuộc sống ở ai cập. Có lẽ đây là một người rất gắn bó với sông Nile, gắn bó với Ai Cập. Tác giả cũng là một người rất đam mê du lịch, thậm chí đam mê cả những trải nghiệm cảm giác mạnh, ông đã từng chèo thuyền theo một đoàn thám hiểm đi dọc sông Nin với mục đích trải nghiệm, tự mình đặt chân đến những điểm nguồn của con sông này.

Tại sao sông Nin lại quan trọng thế với người Ai Cập? Bởi vì chính dòng sông này đã tạo nên nền văn minh Ai Cập và nếu không có sông Nile thì cũng không có nền văn minh này. Hiếm có con sông nào mà có hệ thống mùa lũ đều đặn như con sông này. Hằng năm nó lại dâng lũ lên và khi lũ kết thúc thì toàn bộ phù sa màu đỏ của sông Nile lại bồi đắp hai bên bờ, tạo thành một dải đồng bằng rất mầu mỡ. Rất có thể những biến cố thiên nhiên đó đã tìm được dấu ấn của nó vào trong thần thoại, vào trong cả kinh thánh nữa. Chính vì thế mà tác giả đã chọn màu đỏ là màu sắc chủ đạo trong cuốn sách và đặt tên cho cuốn sách là “Dòng Nile đỏ”.....

Hải Linh