Tranh Đông Hồ không chỉ là những ký ức đẹp, mà còn là tinh hoa sáng tạo, một nét văn hóa riêng biệt trong sự đa dạng của văn hóa Việt Nam và thế giới. Chính vì vậy vẫn có những nhà nghiên cứu miệt mài, đam mê với những dòng tranh dân gian, gìn giữ chúng bằng cách riêng của mình, trong số đó có bà Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, với cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội: Thật là thiếu sót khi mỗi người dân miền Bắc mà không biết đến dòng tranh dân gian Đông Hồ. Chính vì thế tôi đã quyết tâm thể hiện một dòng tranh dân gian có bề dày lịch sử vào một cuốn sách, đó là quyển sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”
Đối với các dòng tranh khác thì tranh dân gian Đông Hồ có một bề dày đáng để tính, đến nay là khoảng 400 năm hình thành và phát triển. Với một kho tàng từ 400 đến 500 tranh và có những mẫu tranh trong thời kỳ lịch sử kháng chiến cũng như thời kỳ kiến thiết đất nước. Tranh ở những thời kỳ đấy tôi nghĩ rằng cũng là một trong những thời kỳ đỉnh cao của tranh dân gian Đông Hồ và cho đến ngày nay thì rất thiếu vắng những người nghệ nhân có thể tạo ra được những mẫu mới ở dòng tranh dân gian Đông Hồ vì thế trong quyển sách này, tôi cũng giới thiệu một số nghệ nhân như nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần với những mẫu mới được tạo ra.
Đối với một tác giả viết sách thì phải có tính logic và phải có những bằng chứng về những suy luận của mình. Chính vì thế mà mỗi khi viết một cuốn sách về dòng tranh dân gian, tôi phải đi điền dã rất nhiều lần, gần như một người thân trong gia đình của mỗi nghệ nhân để học hỏi những bí quyết. Ví dụ như với dòng tranh dân gian Đông Hồ cũng là một dòng tranh duy nhất sử dụng bột điệp cho nền tranh và điều đấy cũng tạo ra một hiệu quả thẩm mỹ riêng của dòng tranh. Bởi vì đối với bột điệp nó có lấp lánh nhất định và khi các màu sắc khác in chồng lên cũng tạo ra màu lấp lánh, hiệu ứng về màu nhất định và tạo ra những cái duyên của dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Mỗi lần tôi đi điền dã, tôi rất chịu khó ghi chép lại cũng như chụp ảnh hoặc quay lại những suy luận, lập luận của mình. Nếu có những hình ảnh đi kèm thì tôi nghĩ rằng mọi người sẽ hiểu rất nhanh, tiếp thu rất nhanh những thông tin tôi cung cấp trong cuốn sách.
Để sở hữu một bức tranh dân gian Đông Hồ là một việc rất đơn giản vì chỉ cần từ 30.000đ đến 50.000đ để chơi trong ngày tết hoặc làm quà tặng cho những vị khách nước ngoài thì là việc rất đơn giản. Chính vì nó quá đơn giản và quá dễ sở hữu như thế cho nên nhiều khi người ta vẫn hơi coi thường đối với tranh dân gian Đông Hồ. Tôi cũng muốn rằng, qua quyển sách dòng "Tranh dân gian Đông Hồ” của tôi thì mọi người sẽ trân trọng hơn bức tranh 30.000đ đấy, mặc dù chỉ là 30.000đ thôi nhưng nó là sự kết tinh lao động mệt mài trong suốt hơn 400 năm của những người nghệ nhân làng tranh Đông Hồ, mỗi bức tranh đó còn thể hiện tính dân tộc, tính lịch sử của dân tộc Việt Nam, những phong tục tập quán hoặc phản ánh những tín ngưỡng tôn giáo của người Việt Nam.
Thực hiện : Việt Hoà Văn Thắng