• 1522 lượt xem
  • 19:15 04/07/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Đu đưa trên ngọn cây bàng" - cuốn nhật ký đầy hoài niệm thơ ấu của thế hệ 8x

“Đu đưa trên ngọn cây bàng” của tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy là 1 trong 4 tác phẩm đoạt giải thưởng "Khát vọng Dế mèn" năm 2022. Dù mới được phát hành trong thời gian gần đây nhưng tập truyện dài mới cũng đã thu hút được một lượng độc giả bởi những câu chuyện gắn liền với thời thơ ấu của không ít thanh niên thuộc thế hệ 8x.

TÁC GIẢ NGUYỄN HOÀNG DIỆU THỦY: "Tôi rất vui vì mới xuất bản cuốn sách “Đu đưa trên ngọn cây bàng” và đây là truyện dài thứ 2 của tôi, vừa mới ra mắt trong tháng 6. Khi tôi viết cuốn sách này, tôi đã dựa trên một phần hồi ức của mình, một cô bé sống ở một vùng trung du khoáng đạt vào những năm 1990 khi xã hội vừa thoát ra khỏi đời sống bao cấp một chút và bắt đầu mở cửa.

Tại sao lại dựa trên hồi ức? Bởi vì tôi nghĩ rằng tôi muốn cuốn sách này được chia sẻ bởi những em nhỏ đang sống ở trong đô thị hiện đại bây giờ. Và đồng thời cũng muốn gợi lại những ký ức nhất định của những người đọc cùng thế hệ tôi và đã trải qua thời gian đó. Và bản thân cái tên “Đu đưa trên ngọn cây bàng” cũng đã thể hiện cảm giác phiêu bồng, bay bổng, những niềm hạnh phúc mà đôi khi rất là trong trẻo, hồn nhiên, khi chúng ta vào tuổi trưởng thành thì chúng ta dễ bị lãng quên.

Tôi có rất nhiều kỉ niệm đã được đưa vào trong cuốn sách này, ví dụ tôi có thể kể câu chuyện về con gà trong thời kì đó là một cái tài sản rất là giá trị, một nỗi ám ảnh của nhiều người. Thường thường trong một gia đình dù làm nông hay công chức thì khi nuôi gà là phải để ý con gà rất kĩ. Tôi nhớ mãi kỉ niệm khi mẹ tôi mua con gà mới về, chúng tôi phải vãi thóc cho gà ăn và gà mới thì rất hay quên chuồng. Cứ mỗi buổi chiều, thường thường sẽ có con gà đi lạc và tôi sẽ phải đi tìm, đương nhiên là không thể tìm thấy rồi và tôi nhớ mãi hình ảnh mình đứng giữa một khoảng đồng rất là rộng lớn, chiều tối buông xuống và rất là buồn. Mình không giận con gà, không giận mẹ nhưng cảm giác buồn nó cứ dâng lên ở trong lòng mình.

Tôi còn nhớ lời của nhà thơ Trần Đăng Khoa khi ông phát biểu trong buổi lễ trao giải thưởng “Khát vọng Dế Mèn” mà tôi có nhận giải ngày hôm đó thì nhà thơ Trần Đăng Khoa có nói rằng, một cuốn truyện hay một tác phẩm dành cho thiếu nhi thì nó phải dành cho cả đối tượng độc giả là người lớn và nhiều người khác đọc được nó. Đấy là điều tôi tâm niệm khi mà tôi viết cuốn truyện dài này.

Người lớn, tôi sẽ nhấn mạnh hơn về bối cảnh của cuốn sách, về bối cảnh lịch sử, chúng ta sẽ thấy trong đó nhẹ nhàng thôi là cái không gian mới mở cửa sau đổi mới, khi rất nhiều gia đình phải loay hoay tìm phương kế sinh nhai. Họ thử rất nhiều cách khách nhau và có cả những phương thức đã bị cấm trong thời bao cấp chẳng hạn. 

Chúng ta có thể thấy những câu chuyện như xã hội chuyển từ học tiếng Nga sang tiếng Anh, hay một doanh nhân mới xuất hiện trong thời đại chớm vào kinh tế thị trường. Tất cả các hồi ức về tuổi thơ gắn bó với thiên nhiên, về sự bươn chải của gia đình với các phương thức kiếm sống khác nhau, tôi nghĩ người lớn cũng có thể tìm thấy câu chuyện của chính họ."

Anh Thư