• 1135 lượt xem
  • 15:14 08/10/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Không ai sống giống ai trong cuộc đời này”

“Không ai sống giống ai trong cuộc đời này” của nhà văn Pháp Jean – Paul Dubois vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam ấn hành, là cuốn tiểu thuyết “đào sâu vào số phận nghiệt ngã của con người với nỗi niềm vừa tuyệt vọng vừa rất đỗi dịu dàng”.

Cuốn sách đạt giải Goncourt năm 2019. Mời quí vị và các bạn cùng đến với cuốn sách qua sự chia sẻ của nhà nghiên cứu phê bình văn học Mai Anh Tuấn.

Nhà nghiên cứu phê bình Văn học MAI ANH TUẤN:"Không ai sống giống ai trong cuộc đời này" của nhà văn Pháp Jean – Paul Dubois theo tôi là một cuốn sách rất đáng để chúng ta đọc. Câu chuyện của tiểu thuyết này xoay quanh nhân vật chính Johanes - một tù nhân. Anh ta vào tù vì tội đánh gây trọng thương một người quản trị trong khu chung cư. Và trong không gian nhà tù chật hẹp đó, anh ta hồi tưởng lại cuộc đời của mình, hồi tưởng lại cha mẹ đã mất và cuộc sống của mình trước đây.

Câu chuyện của nhân vật chính một tù nhân khiến cho chúng ta mở ra một không gian rất đặc biệt đó là không gian quá khứ, nơi mà anh ta nhớ về cha mẹ, nhớ về người thân của mình và không gian hiện tại nơi anh ta ở trong nhà tù. Tôi nghĩ đấy là một cách để tác giả đan xen các không gian khác nhau và từ đó cho chúng ta có một cái nhìn rõ hơn về diện mạo xã hội, về đặc điểm đời sống của nước Pháp, thậm chí của cả Châu Âu những năm đầu thế kỷ XX.

Nhân vật chính nhớ về người cha của mình, một người cha rất tốt bụng nhưng gặp rất nhiều thất bại, thậm chí ông đã phải chọn cái chết bằng cách tự sát. Cái thứ hai là bản thân nhân vật chính Johanes là một tù nhân, anh cũng gây rất nhiều tội lỗi. Hai cách sống của hai con người khác nhau đó nó đòi hỏi chúng ta một thái độ cởi mở, một thái độ bao dung và chấp nhận. Có nghĩa là không ai sống giống ai trong cuộc đời này, nó đòi hỏi người khác chấp nhận cách sống của nhau, bao dung, tha thứ cho nhau. Và tôi nghĩ đấy là một trong những thông điệp mà chúng ta cũng đang rất muốn hướng tới trong một cuộc sống hiện nay.

Cái hấp dẫn thứ hai của cuốn sách này theo tôi đó là cách kể chuyện. Đây là 1 lối kể mà nó đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Nó phá vỡ trật tự của các chi tiết câu chuyện. Chính vì thế cho nên ta đọc ở đây sẽ có một độ thử thách nhất định. Và sẽ phải có một sự kết nối giữa câu chuyện của quá khứ và câu chuyện của hiện tại. Cách viết này thì không mới nhưng nó làm cho chúng ta mở rộng khả năng quan sát, khả năng phân tích hiện tại sâu sắc hơn.

Câu chuyện này nó cũng gửi gắm cho chúng ta một thông điệp là làm thế nào để chúng ta đối diện với thất bại. Làm thế nào để chúng ta chấp nhận được thất bại của mình? Một trong những điều mà tác giả muốn nói đó là sự yêu thương chân thành. Sự bao dung và tha thứ, và tình yêu lớn, yêu tha thiết với cuộc sống... đó là cách để chúng ta vượt qua sự thất bại, sự thua cuộc, sự nhầm lẫn, sai lầm của chính bản thân mình.

Cuốn tiểu thuyết này đạt giải Goncourt năm 2019 là một giải thưởng khá uy tín. Tất nhiên khi vào Việt Nam thì nhiều độc giả sẽ tò mò muốn đọc cuốn sách này. Nhiều người cứ nghĩ rằng đây là một cuốn sách kể một câu chuyện rất là đơn giản, câu chuyện của một người tù nhân nhưng tôi nghĩ bằng sự ngầm ẩn, sự đa tầng nghĩa thì đây là 1 cuốn sách theo tôi đáng để chúng ta nghiền ngẫm kỹ. Đặc biệt là với những ai có tinh thần hướng tới tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng trong cuộc sống thì cũng có thể coi đây như là một câu chuyện có thể tham khảo và truyền cảm hứng được."

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Hạnh Thủy